Theo dự thảo, Bắc Kạn sẽ tăng mức hỗ trợ đối với HSSV học nghề lên 50% mức lương cơ sở, đồng thời, bổ sung đối tượng hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 02.
Bắc Kạn lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 17/4, gồm một số nội dung:
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 2:
“2. Mức hỗ trợ: Hưởng 50% mức tiền lương cơ sở/tháng/người.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 3 như sau:
Mỗi học sinh, sinh viên chỉ được hỗ trợ chế độ chính sách một lần khi tham gia chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng, hoặc trình độ trung cấp. Học sinh học xong trung cấp học liên thông lên trình độ cao đẳng thì tiếp tục được hỗ trợ thêm thời gian học cao đẳng liên thông. Trường hợp học sinh, sinh viên được hưởng nhiều chính sách cùng lúc thì được hưởng một chính sách cao nhất.
Trước đó, để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025, tiếp tục hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn tham gia học nghề…, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn sửa đổi bổ sung chính sách hỗ trợ cho học sinh học nghề thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị quyết 02.
Cụ thể nội dung được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo và đề nghị như sau:
Tăng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% mức lương cơ sở
Cơ sở đề xuất tăng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% mức lương cơ sở cho đối tượng hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên tham gia học trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 02/2019/QĐ-HĐND quy định đối tượng áp dụng như sau: Học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và không thuộc đối tượng được hưởng chính sách nội trú theo Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định số 53).
Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 quy định mức hỗ trợ hưởng 30% lương cơ sở/tháng/người.
Tại Điều 3 Quyết định 53/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú cho học sinh, sinh viên cao đẳng quy định:
Tại khoản 1, quy định mức học bổng chính sách như sau: Đối tượng được hưởng mức cao nhất là 100% mức lương cơ sở; đối tượng được hưởng mức thấp nhất là 60% mức lương cơ sở
Tại khoản 2, quy định các khoản hỗ trợ khác gồm tiền hỗ trợ mua đồ dùng cá nhân (hỗ trợ 01 lần); tiền Tết, tiền đi lại.
Tại khoản 1 Điều 4, quy định mức học bổng chính sách và các khoản hỗ trợ quy định tại Quyết định này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với biến động của giá cả sinh hoạt.
Như vậy, căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật trên để đề xuất tăng mức hỗ trợ cho học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là học sinh, sinh viên có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và không thuộc đối tượng được hưởng chính sách nội trú theo Quyết định số 53.
Về thực tiễn: Từ năm 2019 đến nay, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông học trình độ trung cấp và cao đẳng tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn đang được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 53 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp, hưởng trợ cấp xã hội theo Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001 và theo Nghị quyết 02 của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2019 theo từng nhóm đối tượng.
Tuy nhiên trên thực tế, ngoài số học sinh, sinh viên được hưởng chế độ theo Quyết định số 53, số con em dân tộc thiểu số không thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hộ khẩu thường trú tại các xã ở các huyện khó khăn và các thôn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn chưa có điều kiện theo học hoặc theo học gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế gia đình chưa đảm bảo chi phí ăn học vẫn chiếm tỉ lệ lớn, trong khi mức hỗ trợ theo Nghị quyết 02 dành cho đối tượng này tại thời điểm hiện nay là rất thấp so với mức chi phí sinh hoạt học tập và học phí đào tạo theo Nghị định 81/NĐ-CP.
Trong khi một số đối tượng học sinh, sinh viên được miễn, giảm học phí hoặc được hỗ trợ kinh phí đảm bảo chi trả 100% học phí đào tạo (ví dụ như sinh viên sư phạm; học sinh, sinh viên được hưởng chế độ theo Quyết định số 53…).
Đồng thời chi phí giá cả sinh hoạt cũng tăng hơn rất nhiều so với năm 2019 khi đề nghị xây dựng Nghị quyết 02. Với mức hỗ trợ theo Nghị quyết 02 hiện nay, không đảm bảo cho học sinh, sinh viên chi trả học phí theo quy định tại Nghị định 81/NĐ-CP và hỗ trợ một phần chi phí học tập cho học sinh, sinh viên.
Căn cứ cơ sở pháp lý và thực tiễn trên, đề nghị xây dựng chính sách sửa đổi, bổ sung tăng mức hỗ trợ từ 30% lên 50% mức lương cơ sở cho cho đối tượng hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên tham gia học trung cấp, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Bổ sung đối tượng người học được hưởng chính sách
Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 02/2019/QĐ-HĐND, đối tượng được hưởng chính sách bao gồm học sinh, sinh viên tham gia chương trình đào tạo giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp và cao đẳng, do đó học sinh học hết chương trình trung cấp có nguyện vọng học tiếp lên trình độ cao đẳng (chương trình cao đẳng liên thông) sẽ không được hỗ trợ, trong khi đối tượng này không được miễn, giảm học phí.
Mặt khác, thực tiễn đào tạo nghề hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, tỉ lệ học sinh học chương trình giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp chiếm tỉ lệ khoảng 90%, do vậy nhu cầu học liên thông lên trình độ cao đẳng cũng rất cao.
Chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng của Trường Cao đẳng Bắc Kạn trong 3 năm gần đây là 60 người/năm (bao gồm cả cao đẳng liên thông), bằng 26,66% quy mô đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp), tuy nhiên, kết quả tuyển sinh rất thấp, không tuyển đủ chỉ tiêu đăng ký (năm 2020 đạt 38/60 tương đương 63,33%; năm 2021 đạt 58/60 tương đương 96,66%; năm 2022 đạt 40/60 tương đương 66,67%).
Về kinh phí hỗ trợ cho đối tượng này: Sau khi học xong trình độ trung cấp, học sinh học tiếp lên chương trình cao đẳng liên thông sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời gian theo học (từ 1 năm đến 1,5 năm).
Như vậy, tổng kinh phí hỗ trợ cho đối tượng này (gồm kinh phí hỗ trợ khi học trình độ trung cấp và kinh phí hỗ trợ khi học liên thông lên cao đẳng giáo dục nghề nghiệp) cũng tương đương với kinh phí hỗ trợ cho sinh viên cao đẳng giáo dục nghề nghiệp.
Nguồn: Giaoduc.net