Phóng viên: Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam?
Đồng chí Trịnh Tiến Long:
Ngày 01/10/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg quy định lấy ngày 04/10 hằng năm là “Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam”. Đây được xác định là dịp tôn vinh người lao động có kỹ năng của các nước trên thế giới, đồng thời thúc đẩy nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, giá trị của người lao động Việt Nam có kỹ năng trong tình hình mới.
Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam nhằm kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng đồng tình ủng hộ việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp bằng hành động cụ thể, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời để nâng cao kỹ năng, trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động; khẳng định vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, nhất là có tay nghề cao, kỹ năng nghề nghiệp xuất sắc.
Thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội phát triển kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam còn góp phần quan trọng vào việc triển khai thực hiện chủ trương, quan điểm về phát triển kỹ năng lao động theo tinh thần của Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư; khẳng định rõ vị trí, tầm quan trọng của “lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia”.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, công tác đào tạo nghề của tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến như thế nào? đặc biệt kể từ khi Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 04/10 hằng năm là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam?
Đồng chí Trịnh Tiến Long:
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của các sở, ngành, địa phương, công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhận thức của xã hội, người dân, doanh nghiệp về GDNN đã có những chuyển biến tích cực; số lượng người tham gia vào GDNN ngày càng tăng; tỷ lệ người học sau tốt nghiệp có việc làm cao, thu nhập ổn định. Mạng lưới cơ sở GDNN phát triển, đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo; các điều kiện bảo đảm chất lượng ngày càng được tăng cường.
Công tác tuyển sinh, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh theo hướng tích cực, đóng góp vào cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao các chỉ số PCI, PAPI. Công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã gắn với giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể: Năm 2022 tuyển sinh và đào tạo được 8.155 người (trong đó, hệ cao đẳng là 41 người, hệ trung cấp là 712 người, sơ cấp là 1.310, đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng là 6.092 người). Trong 9 tháng đầu năm 2023 tuyển sinh và đào tạo 5.316 người, đạt 88,6% kế hoạch (trong đó, hệ trung cấp 294 người; đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng là 5.072).
Chào mừng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam, Sở tổ chức treo băng rôn trên các tuyến đường của thành phố Bắc Kạn, xây dựng 01 panô tuyên truyền tại khu vực Nhà Văn hóa tỉnh. Tổ chức thành công Kỳ thi kỹ năng nghề tỉnh Bắc Kạn lần thứ III, năm 2023, có quy mô lớn nhất trong 3 lần tỉnh tổ chức thi kỹ năng nghề. Kỳ thi này có tổng số 27 thí sinh, đến từ 6 đơn vị và tham gia dự thi 4 nghề, gồm: Điện dân dụng; hàn; công nghệ kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật chế biến món ăn.
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những mục tiêu và định hướng cho sự phát triển của GDNN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực?
Đồng chí Trịnh Tiến Long:
Theo Kế hoạch số 114/KH-UBND ngày 23/02/2022 của UBND tỉnh về thực hiện Quyết định số 2239/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2023, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra những mục tiêu, định hướng đến năm 2025 bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với cơ cấu kinh tế của tỉnh; chất lượng đào tạo các cơ sở GDNN được nâng cao, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50% trở lên.
Một số mục tiêu chủ yếu, gồm:
– Thu hút 30% học sinh tốt nghiệp THCS và 35% học sinh THPT vào hệ thống GDNN.
– Đào tạo, đào tạo lại thường xuyên cho khoảng 25% lực lượng lao động.
– Tỷ lệ lao động là người dân tộc thiểu số qua đào tạo nghề nghiệp đạt 45%.
– Ít nhất 30% cơ sở GDNN và 50% chương trình đào tạo các ngành nghề trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
– Phấn đấu 100% nhà giáo đạt chuẩn; khoảng 80 cán bộ quản lý được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý – quản trị hiện đại.
– Phấn đấu khoảng 60% ngành, nghề đào tạo được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia.
Phóng viên: Để đạt được mục tiêu đề ra, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu với tỉnh tổ chức thực hiện các giải pháp gì, thưa đồng chí?
Đồng chí Trịnh Tiến Long:
Để đạt được những mục tiêu, định hướng cho sự phát triển của GDNN trên địa bàn tỉnh, Sở tập trung tham mưu và tổ chức thực hiện các giải pháp, gồm:
– Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách đào tạo nghề. Khuyến khích phát triển cơ sở GDNN tư thục, doanh nghiệp tham gia hoạt động đào tạo nghề.
– Tăng cường gắn kết giữa các cơ sở GDNN và trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm; gắn kết đào tạo với giới thiệu việc làm, đưa lao động đi làm việc ở trong nước và nước ngoài theo hợp đồng.
– Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở GDNN tập trung đào tạo các nghề có thế mạnh của từng địa phương.
– Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề 05 ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia, gồm: Chăn nuôi – thú y; Trồng trọt và bảo vệ thực vật; Công nghệ ô tô; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Điện công nghiệp thuộc Trường Cao đẳng Bắc Kạn.
– Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh để kịp thời hướng dẫn, xử lý những khó khăn vướng mắc.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!