Thời gian vừa qua, Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã trải qua giai đoạn khó khăn khi vừa phải kiện toàn tổ chức, sắp xếp tinh gọn đội ngũ do thực hiện nhiệm vụ sáp nhập các đơn vị giáo dục trên địa bàn, vừa phải tập trung đổi mới chương trình, tăng cường công tác tuyển sinh, duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng đào tạo và tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau đào tạo.
Với đặc thù của tỉnh miền núi, xa trung tâm lớn, sản xuất công nghiệp của tỉnh Bắc Kạn chưa phát triển, chưa tạo ra nhiều việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo của nhà trường, làm giảm sức hút của việc học nghề. Trong khi đó, hiện nay, việc mở rộng các hình thức tuyển sinh của các trường đại học với mức chuẩn đầu vào tương đối thấp khiến việc học đại học trở nên khá dễ dàng. Trong khi đó, nhận thức của phụ huynh, học sinh về vai trò, ý nghĩa của việc học nghề, đặc biệt là học nghề ở trình độ Cao đẳng ít có chuyển biến, do chưa được tiếp cận với công tác hướng nghiệp trong tình hình mới (trong khi nhu cầu lao động có trình độ tay nghề ngày càng cao)
Trong bối cảnh đó, Trường Cao đẳng Bắc Kạn nói riêng và các đơn vị giáo dục nghề nghiệp của tỉnh Bắc Kạn nói chung luôn nhận được sự quan tâm của Tỉnh với nhiều chính sách hỗ trợ. Bên cạnh thực hiện các chính sách của Trung ương như: Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm… tỉnh Bắc Kạn còn ban hành Nghị quyết số 20/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên học trung cấp, cao đẳng trên địa bàn. Đây là những hỗ trợ hết sức thiết thực, tạo điều kiện để con em đồng bào các dân tộc trên địa bàn Tỉnh nâng cao nhận thức, hiểu biết cũng như gia tăng cơ hội được học nghề, nâng cao tay nghề, có việc làm và thu nhập ổn định.
Cùng với chính sách hỗ trợ, để thu hút học sinh theo học, Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. Thông qua các nguồn vốn trong và ngoài nước, Nhà trường đã được đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, trang thiết bị đào tạo nghề hiện đại như: Nhà học lý thuyết, phòng tích hợp giảng dạy các nghề; Xưởng thực hành nghề Công nghệ ô tô với tổng diện tích gần 2000m2 ; xưởng thực hành nghề Kỹ thuật cơ khí rộng gần 1.500m2; trang trại thực hành nghề thú y trên 1000m2 … đáp ứng nhu cầu thực hành, thực tập và nghiên cứu khoa học của các khoa chuyên môn.
Hiện tại, Trường có 1.238 danh mục các loại máy móc, trang thiết bị đào tạo cơ bản đáp ứng tốt cho công tác đào tạo các ngành nghề theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT và điều kiện thực tiễn của Nhà trường. Đi kèm với đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên Nhà trường thường xuyên được cử đi đào tạo, cập nhật kiến thức. Trường có 119 cán bộ, viên chức, trong đó có 109 giảng viên, giáo viên, nhà giáo có trình độ đạt chuẩn theo yêu cầu, có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, có kỹ năng tay nghề cao. Với điều kiện đầy đủ về cơ sở vật chất, kỹ thuật, cùng đội ngũ giảng dạy chất lượng cao, Trường Cao đẳng Bắc Kạn đang trở thành địa chỉ đào tạo, nhất là đào tạo nghề và hướng nghiệp có uy tín, được con em địa phương lựa chọn.
Trong công tác hướng nghiệp, Nhà trường đã chủ động thành lập tổ tuyển sinh, trực tiếp đến các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh thực hiện tư vấn định hướng nghề, nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh cũng như con em về các ngành, nghề cũng như cơ hội việc làm giúp gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Kết quả năm 2023, tư vấn hệ Trung cấp nghề đạt đạt 119,2% chỉ tiêu giao. Hệ Cao đẳng đạt 38/90 chỉ tiêu được giao (42%).
Công tác đào tạo và liên kết đào tạo luôn là lựa chọn ưu tiên, nhất là đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp. Trường chú trọng đào tạo những kỹ năng chuyên môn doanh nghiệp cần ở người lao động, đảm bảo liên kết – hợp tác thường xuyên giữa nhà trường và doanh nghiệp ở tất cả các khâu đào tạo. Theo đó, Trường đã xây dựng cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà trường – Doanh nghiệp – Người học để các doanh nghiệp tham gia đóng góp những nội dung cần thiết, phù hợp với thực tiễn của sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, Trường thường xuyên cử cán bộ theo dõi nắm bắt nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và làm cầu nối để giới thiệu việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Hiện Nhà trường đã ký cam kết hợp tác đào tạo, giới thiệu ba bên với hơn 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Riêng năm học 2023-2024, Nhà trường đã ký kết hợp tác với 5 doanh nghiệp. Trong đó có một số doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Thiên Sơn, Công ty Towada (Nhật Bản), Công ty Lilama 96.1,… Việc liên kết này bảo đảm toàn bộ các học viên sau khi hoàn thành các khóa học sẽ được thực tập và có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Hiện tại, Trường Cao đẳng Bắc Kạn có 14 ngành nghề đào tạo, trong đó có 4 ngành thuộc bậc cao đẳng, 10 ngành nghề thuộc bậc trung cấp. Tính đến cuối năm 2023, trường có tổng số 659 học sinh, sinh viên với 26 lớp. Trong đó, hệ cao đẳng có 111 sinh viên/5 lớp; trung cấp có 548 học sinh/21 lớp; dạy học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho 464 học viên/11 lớp. Năm học 2023-2024, Trường đều đạt và vượt so với mục tiêu kế hoạch. Các nhiệm vụ chính trị được giao đều hoàn thành và vượt. Trong đó, tuyển sinh hệ trung cấp đạt 117,5%; giao thu học phí liên kết đào tạo đạt 106,65%; giao thu dịch vụ 121,3%; thu khác đạt 126,92%. Hoạt động chuyên môn nghiệp vụ được giữ vững, đáp ứng nhu cầu đào tạo địa phương.
Để tiếp tục phát triển, xây dựng Nhà trường trở thành trung tâm giáo dục và đào tạo uy tín, có chất lượng, Trường Cao đẳng Bắc Kạn sẽ chú trọng đào tạo và cung cấp các sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu hiện tại và trong tương lai của thị trường lao động cả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Nhà trường, rất mong UBND tỉnh, Sở GD&ĐT; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT, đồng thời có cơ chế chính sách tối ưu hỗ trợ học viên học các lớp nghề sơ cấp ngắn hạn./.
Nguồn: Tạp chí Con số & Sự kiện