Bài viết đăng trên Tạp chí Thiết bị Giáo dục.
Số ra 317, Kỳ 2 tháng 7 – 2024
Abstract: Soft skills have a very important role for students. The article studies the situation of three soft skills (presentation skills, communication skills, emotional management skills) of students at Bac Kan College. The research results of the article are the basis for managers and teachers at Bac Kan College to propose measures to educate and improve soft skills for students.
Keywords: Soft skills, presentation skills, communication skills, emotional management skills, students
- Đặt vấn đề
Ngày nay, thuật ngữ kỹ năng mềm (KNM) được phổ biến rộng rãi trong lĩnh vực giáo dục và xã hội. Với đối tượng sinh viên (SV) – những người chuẩn bị tham gia vào quá trình lập thân, lập nghiệp trong bối cảnh trình độ và bằng cấp chưa đủ để quyết định đến năng lực làm việc, KNM càng trở nên quan trọng. Theo Pattrick (2008), KNM là khả năng, cách thức con người tiếp cận và phản ứng với môi trường xung quanh, không phụ thuộc vào trình độ chuyên môn và kiến thức. KNM không phải là yếu tố bẩm sinh về tính cách hay là những kiến thức của sự hiểu biết lý thuyết mà đó là khả năng thích nghi với môi trường và con người để tạo ra sự tương tác hiệu quả trên bình diện cá nhân và cả công việc (Leutenberg & Liptak, 2009). Những kỹ năng này thường không được học trong nhà trường, không liên quan đến kiến thức chuyên môn, nhưng không phải là kỹ năng đặc biệt (Nguyễn Thị Mỹ Lộc & Đinh Thị Kim Thoa, 2010).
Một số kỹ năng có thể xem như KNM của SV nói chung xét trong quá trình chuẩn bị và bắt đầu công việc trong xã hội hiện nay ngoài kỹ năng chuyên môn như: kỹ năng thiết lập quan hệ xã hội, kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng thích ứng với sự thay đổi… (Huỳnh Văn Sơn, 2019). Giới hạn của bài viết quan tâm đến kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý cảm xúc.
- Nội dung nghiên cứu
Bài viết sử dụng phương pháp điều tra bằng bảng hỏi (60 giảng viên và 200 SV) kết hợp phương pháp phỏng vấn (7 giảng viên và 7 SV) để thu thập dữ liệu mô tả, phân tích thực trạng KNM cho SV ở Trường Cao đẳng Bắc Kạn. Nội dung khảo sát là mức độ biểu hiện các kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng quản lý cảm xúc của SV Kết quả khảo sát là cơ sở thực tiễn để cán bộ quản lý, giảng viên Trường Cao đẳng Bắc Kạn xây dựng biện pháp giáo dục KNM cho SV.
Thang đo khảo sát được sử dụng là 5 mức độ với quy ước điểm trung bình (ĐTB) với mức độ ý kiến như sau: Mức 1 (1,00 đến dưới 1,80) – kém; Mức 2 (1,80 đến dưới 2,60) – yếu; Mức 3 (2,60 đến dưới 3,40) – trung bình; Mức 4 (3,40 đến dưới 4,20) – khá; Mức 5 (4,20 đến 5,00) – tốt.
- Thực trạng kỹ năng thuyết trình của sinh viên
Bảng 2.1. Mức độ kỹ năng thuyết trình
TT | Nội dung | Tự đáng giá của SV | Đánh giá của giảng viên | ||
ĐTB | Thứ bậc | ĐTB | Thứ bậc | ||
1 | Nội dung, cấu trúc bài thuyết trình | 3,61 | 1 | 3,45 | 1 |
2 | Thiết kế thuyết trình | 3,52 | 2 | 3,37 | 2 |
3 | Phong cách thuyết trình | 3,47 | 3 | 3,32 | 3 |
4 | Phản hồi với khán giả | 3,35 | 4 | 3,21 | 4 |
Về tự đánh giá của SV, nội dung được đánh giá cao nhất là “nội dung, cấu trúc bài thuyết trình” với ĐTB đánh giá là 3,61 – ở mức độ khá. Hai nội dung khác trong kỹ năng thuyết trình cũng được đánh giá ở mức độ khá bao gồm “thiết kế thuyết trình” và “phong cách thuyết trình” với ĐTB lần lượt là 3,52 và 3,47, xếp vị trí thứ hai và thứ ba. Nội dung “phản hồi với khán giả” có vị trí thấp nhất với ĐTB là 3,35 – xếp hạng trung bình. Kết quả phỏng vấn các SV về kỹ năng thuyết trình của SV ở Trường Cao đẳng Bắc Kạn cho thấy:
– Về ưu điểm: nội dung thuyết trình được xây dựng cẩn thận, có đầu tư phù hợp với nhiệm vụ được giao tìm hiểu (SV1, SV6); thiết kế trình bày trực quan, dễ nhìn, màu sắc hài hoà (SV1, SV2, SV4); người thuyết trình dễ nghe, dễ hiểu (SV3, SV5, SV7).
- Về khuyết điểm: kỹ thuật trình chiếu thuyết trình còn nhiều hạn chế về bố cục, hình ảnh, font chữ, hiệu ứng… (SV3, SV4, SV7); người thuyết trình còn ấp úng, phụ thuộc vào văn bản, chưa nắm hết nội dung bài trình bày (SV1, SV4). SV5 còn cho rằng: Các SV ít có cơ hội thuyết trình, dẫn đến gặp nhiều khó khăn và lúng túng; đa số SV còn thiếu tự tin, dù am hiểu vấn đề nhưng diễn đạt vấn đề chưa mạch lạc, thiếu thuyết phục, chưa có kinh nghiệm trong việc thuyết trình.
Về đánh giá của giảng viên, nội dung được đánh giá cao nhất là “nội dung, cấu trúc bài thuyết trình” với ĐTB đánh giá là 3,45 – ở mức độ khá. Hai nội dung khác trong kỹ năng thuyết trình được đánh giá ở mức độ trung bình – cận khá bao gồm “thiết kế thuyết trình” và “phong cách thuyết trình” với ĐTB lần lượt là 3,37 và 3,32, xếp vị trí thứ hai và thứ ba. Nội dung “phản hồi với khán giả” có vị trí thấp nhất với ĐTB là 3,21 – xếp hạng trung bình. Kết quả phỏng vấn các giảng viên về kỹ năng thuyết trình của SV ở Trường Cao đẳng Bắc Kạn cho thấy:
- Về ưu điểm: nội dung thuyết trình được xây dựng cẩn thận, có đầu tư phù hợp với nhiệm vụ được giao tìm hiểu (GV1, GV2, GV4); thiết kế trình bày trực quan, trang nhã (GV1, GV3, GV4).
- Về khuyết điểm: cách trình bày bài thuyết trình còn nhiều hạn chế về bố cục, hình ảnh, font chữ, màu sắc. (GV3, GV5, GV7); người thuyết trình chưa tự tin, chưa nắm chắc kiến thức, còn dựa vào văn bản” (GV1, GV2, GV3,); người thuyết trình còn ấp úng, âm lượng nhỏ, không có sự nhấn nhá cho phù hợp, giọng đều đều (GV7); người thuyết trình không có sự giao tiếp với người nghe bằng cử chỉ, ánh mắt, điệu bộ hoặc các câu hỏi. (GV1, GV2, GV3).
Như vậy, theo đánh giá của giảng viên và tự đánh giá của SV, việc sử dụng ngôn ngữ cũng như phương tiện hỗ trợ thuyết trình còn hạn chế. Đặc biệt, SV còn lúng túng trong việc sử dụng phương tiện phi ngôn ngữ và phần lớn chưa kiểm soát được cảm xúc trong khi thuyết trình.
- Thực trạng kỹ năng giao tiếp của sinh viên
Bảng 2.2. Mức độ kỹ năng giao tiếp
TT | Nội dung | Tự đáng giá của SV | Đánh giá của
giảng viên |
||
ĐTB | Thứ bậc | ĐTB | Thứ bậc | ||
1 | Ngôn ngữ khi giao tiếp | 3,53 | 1 | 3,38 | 1 |
2 | Cử chỉ và điệu bộ khi giao tiếp | 3,47 | 2 | 3,32 | 2 |
3 | Thái độ khi giao tiếp | 3,46 | 3 | 3,32 | 2 |
Về tự đánh giá của SV, “ngôn ngữ khi giao tiếp” là nội dung có điểm đánh giá cao nhất 3,53. Nội dung “cử chỉ và điệu bộ khi giao tiếp” có ĐTB 3,47 – xếp hạng thứ hai, còn “thái độ khi giao tiếp” có ĐTB là 3,46 – xếp hạng thứ 3. Kết quả phỏng vấn các SV về kỹ năng giao tiếp của SV ở Trường Cao đẳng Bắc Kạn cho thấy:
- Về ưu điểm: SV giao tiếp hoà hợp với mọi người, ít xảy ra gây gổ, xích mích (GV2, GV5, SV3, SV4, SV5).
- Về khuyết điểm: một số SV có biểu hiện chưa đứng đắn khi giao tiếp với nhau và giao tiếp với xã hội như lớn tiếng, nói xấu người khác (SV2, SV3, SV5); một số tường hợp không biết cách diễn đạt ý nghĩ của mình cho phù hợp (SV4, SV7).
Về đánh giá của giảng viên, “ngôn ngữ khi giao tiếp” là nội dung có điểm đánh giá cao nhất 3,38. Nội dung “cử chỉ và điệu bộ khi giao tiếp” và “thái độ khi giao tiếp” cùng có ĐTB 3,32 – xếp hạng thứ hai. Kết quả phỏng vấn các giảng viên về kỹ năng giao tiếp của SV ở Trường Cao đẳng Bắc Kạn cho thấy:
- Về ưu điểm: SV dùng từ phù hợp với vị trí là người học có trình độ trí thức (GV1, GV3); SV luôn vui vẻ với mọi người, hiếm khi cáu gắt, lớn tiếng (GV4, GV6).
- Về khuyết điểm: Nhiều trường hợp SV sử dụng từ ngữ chưa phù hợp khi diễn đạt ý nghĩ của mình (GV3, GV4, GV7); SV còn nhiều hạn chế về vốn từ, đặc biệt là trong các lĩnh vực đời sống xã hội (GV1, GV2, GV3); giọng nói mang đậm tính vùng miền nên đôi khi khó nghe (GV7).
GV5 đã nêu đánh giá chung cũng như lý giải nguyên nhân của thực trạng kỹ năng giao tiếp của SV: Phần lớn SV của trường sinh sống và lớn lên ở các tỉnh nông thôn miền núi, sống nề nếp trong các gia đình làm nông nghiệp, ít có cơ hội giao tiếp với xã hội, nên họ còn thiếu tự tin, ngại bộc lộ quan điểm bản thân, thụ động và ít thích ứng với sự thay đổi của xã hội cũng như giao tiếp trong các mối quan hệ; Về phía nhà trường, nguyên nhân cơ bản là nội dung, hình thức đào tạo của nhà trường còn nặng về hàn lâm, thiếu thực hành, thực tế, thiếu các công tác xã hội cũng như chưa trực tiếp đi sâu vào đời sống xã hội để SV có điều kiện thâm nhập vào các mối quan hệ đa dạng và trui rèn kỹ năng giao tiếp.
- Thực trạng kỹ năng quản lý cảm xúc của sinh viên
Bảng 2.3. Mức độ kỹ năng quản lý cảm xúc
TT | Nội dung | Tự đáng giá của SV | Đánh giá của giảng viên | ||
ĐTB | Thứ bậc | ĐTB | Thứ bậc | ||
1 | Điều chỉnh trạng thái cơ thể | 3,36 | 4 | 3,22 | 4 |
2 | Suy nghĩ tích cực | 3,43 | 3 | 3,29 | 3 |
3 | Không giam mình trong phòng | 3,50 | 1 | 3,35 | 1 |
4 | Tĩnh tâm | 3,44 | 2 | 3,30 | 2 |
về tự đánh giá của SV, nội dung được đánh giá cao nhất là “không giam mình trong phòng” với ĐTB đánh giá là 3,50 – ở mức độ khá. Hai nội dung khác trong kỹ năng quản lý cảm xúc của SV cũng được đánh giá ở mức độ khá bao gồm “suy nghĩ tích cực” và “tĩnh tâm” với ĐTB lần lượt là 3,44 và 3,43, xếp vị trí thứ ba và thứ hai. Nội dung “điều chỉnh trạng thái cơ thể” có vị trí thấp nhất với ĐTB là 3,36 – xếp hạng trung bình. Kết quả phỏng vấn các SV về kỹ năng quản lý cảm xúc của SV ở Trường Cao đẳng Bắc Kạn cho thấy:
- về ưu điểm: phần lớn các SV đã nhận diện được cảm xúc của bản thân, ý thức được hành động của mình và kiềm chế được cảm xúc trong những trường hợp thông thường (tất cả SV tham gia khảo sát).
- Về khuyết điểm: SV khó làm chủ cơn tức giận nên đôi khi nặng lời với người khác (SV1, SV2, SV5); khả năng tĩnh tâm để cân bằng cảm xúc còn hạn chế (SV7); khả năng giữ bản thân luôn luôn lạc quan, tích cực còn hạn chế (SV2, SV4, SV6).
Về đánh giá của giảng viên, nội dung được đánh giá cao nhất là “không giam mình trong phòng” với ĐTB đánh giá là 3,35 – ở mức độ trung bình cận khá. Hai nội dung khác trong kỹ năng quản lý cảm xúc của SV cũng được đánh giá ở mức độ trung bình cận khá bao gồm “suy nghĩ tích cực” và “tĩnh tâm” với ĐTB lần lượt là 3,29 và 3,30, xếp vị trí thứ ba và thứ hai. Nội dung “điều chỉnh trạng thái cơ thể” có vị trí thấp nhất với ĐTB là 3,22 – xếp hạng trung bình. Kết quả phỏng vấn các giảng viên về kỹ năng quản lý cảm xúc của SV ở Trường Cao đẳng Bắc Kạn cho thấy:
- Về ưu điểm: SV có ý thức thực hiện nhiều hoạt động để giải toả cảm xúc tức giận như đọc sách, lướt mạng xã hội, tĩnh tâm (GV1); SV có khả năng kiềm chế cảm xúc khá tốt, đặc biệt là kiềm chế cơn tức giận (GV2, GV3, GV6); SV thường xuyên tham gia các nhóm nhỏ để vui chơi, giữ tâm trạng luôn thoải mái (GV4).
- Về khuyết điểm: SV thường biểu lộ cảm xúc ra ngoài nét mặt, giọng điệu, thái độ khi giao tiếp (GV4, GV5, GV7); một số SV vẫn chưa chế ngự được cảm xúc, nãy sinh các cảm xúc đích cực, chưa giữ được sự tự chủ trong điều kiện không ổn định và thay đổi phức tạp (GV6).
Về nguyên nhân của những đánh giá chưa cao như trên về KNM của SV, kết quả phỏng vấn cho thấy việc thiếu một chương trình giáo dục KNM cụ thể để định hướng toàn bộ hoạt động giáo dục KNM của trường là nguyên nhân được 4/7 GV tham gia phỏng vấn nêu ra (GV1, GV3, GV4, GV7). Thiếu chương trình giáo dục KNM làm cho quá trình giáo dục này diễn ra lẻ tẻ, manh mún, thiếu nhất quán. Ngoài ra, một nguyên nhân khác cũng được nêu ra là SV ít có cơ hội thực hành các kỹ năng này (GV5).
- Kết luận
Như vậy, kết quả khảo sát cho thấy còn nhiều hạn chế trong KNM của SV ở Trường Cao đẳng Bắc Kạn. Ở kỹ năng thuyết trình, SV còn nhiều hạn chế về thiết kế bài thuyết trình sao cho thẫm mĩ, khoa học; người thuyết trình còn chưa tự tin, chưa nắm chắc bài thuyết trình và khả năng giao tiếp với người nghe còn kém. Ở kỹ năng giao tiếp, vốn từ của SV còn hẹp; khả năng sử dụng ngôn từ cùng với các phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ cũng hạn chế. Ở kỹ năng quản lý cảm xúc, SV còn chưa hoàn toàn kiềm chế được cảm xúc của bản thân để đưa ra các điều chỉnh phù hợp. Thực trạng này xuất phát từ việc thiếu môi trường cho SV giao tiếp, trao đổi, tham gia vào đa dạng mối quan hệ xã hội để thực hành và trui rèn các KNM. Thực trạng này đòi hỏi Trường Cao đẳng Bắc Kạn cần có chương trình giáo dục kỹ năng mềm này cho SV một cách toàn diện hơn, đầy đủ nội dung của các kỹ năng. Đồng thời, cần tạo ra môi trường thuận lợi để SV tăng cường rèn luyện các kỹ năng này.
Tài liệu tham khảo
- Huỳnh Văn Sơn (2019), Thực trạng, nguyên nhân và biện pháp rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
- Leutenberg, E. A., & Liptak, J. J. (2009), The practical life skills workbook, Whole Person Associates, Minnesota.
- Nguyễn Thị Mỹ Lộc, & Đinh Thị Kim Thoa (2010), Giáo dục giá trị và kỹ năng sống cho học sinh phố thông, NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội.
- Pattrick, N. J. (2008), Social skills for teenagers and adults with esperger syndrome, Jessica Kingsley Publishers, London.
Tác giả: Nông Văn Thành – Khoa Tông hợp, Trường Cao đăng Bắc Kạn