Hội thảo đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết phát triển du lịch và giáo dục – đào tạo, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tại Tỉnh ủy Bắc Kạn
A- Về Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU
* Góp ý về hạn chế và nguyên nhân:
Có 16/47 mục tiêu không đạt, cho thấy NQ chưa sát thực tiễn.
Quan tâm một số chỉ tiêu thuộc lĩnh vực GDNN như sau:
– Chỉ tiêu đến năm 2020 toàn tỉnh có 25 cơ sở GDNN, kết quả chỉ có 20 cơ sở: Nguyên nhân do khi xây dựng Nghị quyết đã không bám sát các chủ trương, định hướng quy hoạch, phát triển cơ sở GDNN và đơn vị sự nghiệp công lập của đảng, Chính phủ. Do đó đã xây dựng chỉ tiêu quá cao, không sát thực tiễn.
Trong dự thảo Báo cáo chưa nêu, do đó đề nghị bổ sung vào phần nguyên nhân chủ quan.
– Chỉ tiêu có 07 giảng viên, giáo viên tham gia nghiên cứu sinh, kết quả không có trường hợp nào: Trong dự thảo báo cáo đã đề cập nguyên nhân (trang 14). Tuy nhiên đề nghị bổ sung thêm nguyên nhân là do: cơ chế trả lương viên chức theo quy định hiện nay mang tính cào bằng (không trả theo năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc) nên không tạo được động lực cho GV đi học nâng cao trình độ.
– Chỉ tiêu tuyển sinh trình độ cao đẳng đạt thấp (đạt 31,2%): Đề nghị bổ sung nguyên nhân khách quan, do: thị trường lao động Bắc Kạn kém phát triển; tỉnh có ít doanh nghiệp, khu công nghiệp, trong khi các doanh nghiệp tỉnh ngoài chủ yếu tuyển lao động phổ thông, không cần qua đào tạo (điển hình như Sam Sung)… nên không thu hút được học sinh tốt nghiệp THPT đi học cao đẳng.
– Chỉ tiêu phân luồng học sinh trung học cơ sở: Chỉ tiêu đến 2020 là 35%, kết quả đạt 26.75%.
Tại dự thảo báo cáo đã đề cập (nguyên nhân chủ quan) song chưa đầy đủ. Đề nghị bổ sung thêm nguyên nhân là do tỉnh chưa thực sự quan tâm, đầu tư (về ngân sách, nhân lực) cho công tác tuyên truyển, tư vấn định hướng nghề tại các trường THCS.
Đề thực hiện tốt công tác này phải thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Kế hoạch thực hiện Đề án “giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” tỉnh Bắc Kạn theo Quyết định số 1085/QĐ-UBND ngày 27/6/2018 của UBND tỉnh.
– Về nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng đội ngũ GV GDNN còn hạn chế: Tại dự thảo báo cáo có nêu nguyên nhân do các cơ sở GDNN thiếu nguồn tuyển là chưa chính xác, thực tế là thiếu biên chế để tuyển dụng. Đề nghị chỉnh sửa báo cáo.
– Nhận định thêm về nguyên nhân (bao chùm) dẫn đến các hạn chế: Tại dự thảo báo cáo cũng đã nêu, nguyên nhân (khách quan) hạn chế là do “nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn hạn chế”.
Xét về tổng thể, đây là nhận định luôn luôn đúng đối với nhiều tỉnh có số thu ngân sách thấp, không chỉ riêng Bắc Kạn. Tuy nhiên nếu tiếp cận góc độ vi mô, thì chưa đầy đủ, còn quan liêu.
Đó là cần xem xét ưu tiên ngân sách cho một số hoạt động cụ thể, hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động chuyên môn, có tính lan tỏa, nhưng mức đầu tư không lớn… VD: với GDNN, hàng năm tỉnh cấp cho 1 khoản kinh phí khoảng vài trăm triệu cho các trường (Cao đẳng Bắc Kạn) để tổ chức công tác nghiên cứu khoa học, thi tay nghề hssv, viết giáo trình,… số tiền không lớn song mang tính động viên, khuyến khích được GV, học sinh sinh viên thêm yêu và gắn bó với nghề nghiệp (thực chất cũng là một hình thức thu hút, giữ chân GV giỏi, với khả năng ngân sách tỉnh hoàn toàn đáp ứng).
B- Về Nghị quyết phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021-2025,
định hướng đến năm 2030
* Về mục tiêu
– Mục tiêu chung: Lĩnh vực GDNN, đề nghị bổ sung về phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng yêu cầu kỹ năng nghề nghiệp, nhu cầu về cơ cấu ngành nghề và quy mô đào tạo.
– Mục tiêu cụ thể (về lĩnh vực GDNN, tại mục 2.4):
+ Theo dự thảo NQ: “Phấn đấu đến năm 2025 có 35% học sinh tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng”.
+ Ý kiến góp ý: Cần kiểm tra, cân nhắc chỉ tiêu này ở các góc độ sau:
(i) Cơ sở xác định chỉ tiêu: Kết quả phân luồng giai đoạn 2016-2020 là bao nhiêu (trong báo cáo tổng kết 5 năm không đánh giá), đề nghị đánh giá để làm cơ sở xác định chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025?
(ii) Thực tiễn: Thực tế hiện nay học sinh tốt nghiệp THPT ở Bắc Kạn đang thực hiện phân luồng như sau: Một số lượng (khá lớn) đi học các trường đại học; một số lượng (khá lớn) đi lao động phổ thông kiếm tiền ngay tại các khu công nghiệp ngoài tỉnh; một số (không lớn) đi xuất khẩu lao động hoặc du học nước ngoài (hình thức vừa làm vừa học/ yêu cầu chất lượng đầu vào thấp); một số lượng (rất ít) đi học cao đẳng (nghề) trong và ngoài tỉnh, trong đó học tại Cao đẳng Bắc Kạn ngày càng giảm mạnh trong những năm gần đây (năm 2021 chỉ có 12 em học cao đẳng mầm non, 06 em học cao đẳng nghề).
- Do đó, đề nghị xem xét 2 phương án: (i) Xác định lại chỉ tiêu sát với thực tiễn sau khi đánh giá giai đoạn 2016-2020, đồng thời quan tâm đầu tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp theo Quyết định số 1085/QĐ-UBND ngày 27/6/2018 của UBND tỉnh; (ii) Không đưa chỉ tiêu phân luồng học sinh tốt nghiệp THPT vào Nghị quyết này, không đầu tư nguồn lực cho việc thực hiện chỉ tiêu này, để cho thị trường lao động và đào tạo tự điều tiết.
* Về nhiệm vụ và giải pháp
– Đề nghị bổ sung giải pháp tại mục 5 dự thảo:
Tiếp tục quy hoạch hệ thống các cơ sở GDNN theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Vì trong bối cảnh giai đoạn tới nhu cầu và điều kiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhu cầu và điều kiện về học GDTX cấp THPT (bổ túc văn hóa) đã rất khác so với giai đoạn trước, do đó không nhất thiết phải giàn trải huyện nào cũng phải có Trung tâm.
Về cách làm:
(i) Đánh giá lại hiệu quả hoạt động Trung tâm GDNN-GDTX các huyện đảm bảo thực tiễn, khách quan, khoa học;
(ii) Bám sát chủ trương, chính sách phát triển đơn vị sự nghiệp công lập của đảng và chính phủ, thực hiện lộ trình tự chủ theo Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 BCH trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, xem xét giải thể Trung tâm hoạt động không hiệu quả, tập trung mọi nguồn lực và thu hút nguồn học sinh về trường Cao đẳng Bắc Kạn./.
Người đóng góp ý kiến: Trịnh Tiến Long – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bắc Kạn.