Khoa Nông lâmTin tức

Giải pháp quan trọng thu hút học sinh sinh viên học nghề tại Khoa Nông lâm Trường Cao đẳng Bắc Kạn

Đã đăng trên

Với tình hình dịch bệnh Covid -19 đang phức tạp như hiện nay, công tác tuyển sinh của nhà trường cũng như của khoa Nông lâm sẽ gặp khó khăn hơn khi không thể kết nối trực tiếp được với phần lớn học sinh ở các Trường phổ thông trong tỉnh Bắc Kạn. Đa số công tác tuyển sinh của nhà trường và khoa phải “tự thân vận động” từ một phía, đến các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh tổ chức tư vấn nghề, tuy nhiên do bị ảnh hưởng của làn sóng dịch covid-19 không thể tiếp tục thực hiện được hình thức này và cũng không dễ dàng thu hút được học sinh. Vì vậy, công tác tư vấn tuyển sinh được lâu dài cần thiết lập “cầu nối bền vững” hợp tác của các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn của tỉnh Bắc Kạn.

 Để giải quyết những khó khăn trong công tác tuyển sinh nói chung, cũng như tuyển sinh vào các nghề thú y, trồng trọt & bảo vệ thực vật, khoa học cây trồng thuộc khoa Nông lâm nói riêng, bên cạnh việc tuyên truyền rộng rãi trên các kênh thông tin đại chúng như hiện nay đang thực hiện, Khoa nông lâm cùng nhà trường xác định cần tự khẳng định thương hiệu và tạo niềm tin với xã hội bằng chất lượng đào tạo. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nhằm đảm bảo sản phẩm “đầu ra” là một trong các giải pháp quan trọng thu hút học sinh, sinh viên vào học nghề thuộc khoa Nông lâm tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn.

Bên cạnh việc cải thiện cơ sở vật chất kỹ thuật phòng học/khu thực hành thì việc nâng cao trình độ giáo viên, đổi mới phương pháp dạy nghề được xem là yếu tố then chốt, mang tính chất quyết định trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong nhiều năm qua, đội ngũ nhà giáo GDNN của Khoa Nông lâm nói riêng đã được nâng cao về chất lượng, tăng về số lượng. Tuy nhiên đứng trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà giáo GDNN cần không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và kết nối người học với thị trường lao động. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư 4.0 đã tác động sâu sắc đến quá trình dạy học. Do đó, trong mọi biến động của công nghệ và cuộc sống thì vai trò của người thầy luôn quan trọng; đóng vai trò nòng cốt, đảm bảo chất lượng sản phẩm giáo dục đào tạo. Ngoài yếu tố về chương trình, cơ sở vật chất, trang thiết bị, quản trị nhà trường thì nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng, có thể coi là quyết định chất lượng dạy và học. Hay nói cách khác, để có một người trò tốt, một người lao động có kiến thức, kỹ năng, tay nghề và thái độ nghề nghiệp tốt thì cấp thiết phải có một nhà giáo tốt.

 Vậy, đổi mới phương pháp giảng dạy như thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo? Trước đây người thầy đóng vai trò trung tâm nhưng ngày nay, giáo dục đã chuyển sang lấy người học làm trung tâm, người học giữ vai trò chủ động trong học tập vì thế phương pháp giảng dạy cần có sự thay đổi. Để học tốt một điều gì đó người học không chỉ cần nghe thấy, mà phải được nhìn thấy và tốt hơn nữa là trực tiếp làm điều đó trong một quá trình. Phương pháp giảng dạy phải làm sao sử dụng được càng nhiều giác quan của người học tham gia vào quá trình học thì càng tốt. Để tập trung chú ý của học viên vào nội dung bài giảng, người dạy không cần phải nói liên tục mà phải biết cách làm cho người học tham gia tích cực vào quá trình học tập của bản thân nhất là việc thực tập, thực hành, rèn nghề và thực tập sản xuất (thực địa) cho học sinh sinh viên là hết sức cần thiết, tăng cường cơ hội cho người học “làm” để hiểu được vấn đề và phát triển kỹ năng nghề. Người học phải biến những gì học được thành một phần của chính bản thân mình.
     Một số giải pháp để đổi mới phương pháp giảng dạy đạt hiệu quả:
          – Tổ chức tốt bài giảng và cách giảng bài: Với môn học lý thuyết, giảng giải là phương pháp tốt nhất để truyền đạt các kiến thức chung và thông tin, nhất là với lớp có sĩ số đông. Vấn đề là phải cải tiến phương pháp này để lôi cuốn được sự chú ý hơn của người học. Kỹ năng trình bày là rất quan trọng và giảng viên phải luôn nhớ hướng sự chú ý của học viên vào nội dung bài chứ không phải vào người giảng. Khi giảng viên tập trung chú ý đến học viên và làm sáng tỏ nội dung bài cho họ, làm cho các ý liên quan đến các tình huống cụ thể, giúp họ ghi nhớ thì học viên sẽ hứng thú hơn và học được nhiều hơn. Muốn vậy, giảng viên phải có kiến thức sâu rộng và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.

– Tăng cường đặt câu hỏi và khuyến khích người học đưa ra câu hỏi: Trong khi giảng bài, giảng viên nên áp dụng phương pháp “động não” để kích thích học viên suy nghĩ bằng cách đưa ra một chủ đề hoặc một vấn đề về nội dung của bài học, giúp học viên chủ động trong việc tiếp thu qua quá trình giải đáp thắc mắc và chia sẻ.

– Dùng những phương tiện để hỗ trợ trực quan: Dùng những hình minh hoạ trực quan để làm cho bài giảng bớt trừu tượng Do vậy, giáo viên nên sử dụng các phương tiện như: hình ảnh, đồ thị, bảng, máy chiếu, băng video để hỗ trợ giảng dạy. Tuy nhiên, nếu dùng các phương tiện nghe nhìn chỉ để thay phấn viết bảng thôi thì hậu quả sẽ tiêu cực bởi vì thực chất đó vẫn là phương pháp thuyết trình một chiều. Mục đích việc dùng các phương tiện nghe nhìn là làm cho bài giảng sinh động hơn, tiết kiệm thời gian viết bảng để giành thời gian cho giảng viên giải thích, cho sinh viên đặt câu hỏi và thảo luận.

 – Chuẩn bị các tài liệu bổ sung: Trước khi giảng bài, nhất là khi giảng viên sử dụng bài giảng PowerPoint, nên phân phát đề cương bài giảng cho người học. Các tài liệu này giúp người học dễ theo dõi những ý chính, tóm tắt nội dung, phát triển các ý và áp dụng chúng.

– Phối hợp giảng dạy: Một môn học được nhiều người cùng tham gia giảng dạy sẽ làm cho việc giảng dạy đỡ đơn điệu hơn. Hơn nữa, khi mỗi giáo viên được phân công chịu trách nhiệm một vài chương hay chuyên đề của môn học thì sẽ có điều kiện đầu tư chuẩn bị cho bài giảng được tốt hơn, chất lượng giảng dạy sẽ cao hơn, người học sẽ thu được nhiều kiến thức cập nhật hơn và do vậy sẽ thu hút học tập hơn.

–  Khuyến khích học tập theo nhóm và tăng cường thảo luận

– Minh hoạ bài giảng bằng các ví dụ, tình huống hoặc sự việc cụ thể

–  Ra nhiều bài tập và tiểu luận

– Tăng cường các bài kiểm tra…

Tới đây, việc dạy và học theo năng lực đòi hỏi nhà giáo không chỉ có năng lực chuyên môn mà còn phải có nhiều năng lực khác. Chẳng hạn như năng lực phân tích các đối tượng học để đưa ra khối lượng bài giảng, kiến thức phù hợp cho mỗi đối tượng hay năng lực truyền tải bài học đó như thế nào để có hiệu quả? Đặc biệt qua đó phải kết hợp sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp giảng dạy, sử dụng trang thiết bị, kể cả trình diễn các kỹ năng làm mẫu để học sinh có thể học tập, làm theo.

Giáo viên là lực lượng chính thực hiện tất cả các khâu của quá trình đào tạo. Theo phương pháp tiếp cận mới, giáo viên cần được bồi dưỡng để có được hệ thống các năng lực đáp ứng yêu cầu của công nghệ dạy học mới. Thời gian tới đây, phương pháp giảng dạy sẽ được đổi mới, chuyển sang việc dạy và học theo năng lực. Do vậy, yếu tố về kỹ năng nghề của đội ngũ nhà giáo đặc biệt quan trọng.

Để thu hút học sinh, sinh viên đăng ký học nghề, cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định thương hiệu của Khoa Nông lâm, của Trường Cao đẳng Bắc Kạn với người học, với xã hội bằng chất lượng sản phẩm “đầu ra”. Để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và thực tế, một trong những định hướng mà khoa Nông lâm tập trung là gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thực tập thực địa đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường lao động trong và ngoài nước. Từ đó, học sinh ra trường có cơ hội việc làm không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, Nhật Bản…

Một số hình ảnh trong giờ học tại Khoa Nông lâm:

Học sinh nghề Trồng trọt và bảo vệ thực vật trong giờ học Kỹ năng mềm
Học sinh nghề Chăn nuôi Thú y thực hiện tình huống cụ thể
Học sinh nghề Trồng trọt và bảo vệ thực vật thực hiện bài tập, thảo luận.
Học sinh nghề Trồng trọt và bảo vệ thực vật thực hành Kỹ năng làm việc nhóm.

Bài viết: Triệu Thắm 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *