Lịch sử hình thành

Sơ lược quá trình hình thành và phát triển Trường Cao đẳng Bắc Kạn

Trường Cao đẳng Bắc Kạn tiền thân là Trường dạy nghề tỉnh Bắc Kạn được thành lập ngày 4/4/2002 theo Quyết định số: 454/QĐ-UBND và được đổi tên thành trường Trung cấp nghề Bắc Kạn theo Quyết định số: 1305/QĐ-UBND ngày 3/8/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh. Năm 2015, trường được nâng cấp lên thành trường Cao đẳng nghề Bắc Kạn tại quyết định số 595/QĐ-LĐTBXH ngày 06/5/2015 và đổi tên thành trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn tại quyết định số 128/QĐ-LĐTBXH ngày 27/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và xã hội.

Trường Cao đẳng Bắc Kạn được thành lập trên cơ sở sáp nhập giữa Trường Cao đẳng Cộng đồng Bắc Kạn và Trường Cao đẳng nghề dân tộc nội trú Bắc Kạn theo Đề án số 702/ĐA-UBND ngày 6/12/2019 của UBND tỉnh Bắc Kạn và theo Quyết định số 49/QĐ-LĐTBXH ký ngày 14/01/2020 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Trường là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, và hiện là trường cao đẳng duy nhất tại tỉnh Bắc Kạn. Trường có chức năng tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, và đào tạo thường xuyên theo quy định của pháp luật; hợp tác với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước trong giáo dục nghề nghiệp; nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất; tổ chức sản xuất, kinh doanh, và dịch vụ.

Được hình thành từ hai cơ sở GDNN có kinh nghiệm và uy tín trên địa bàn tỉnh với mong đợi trở thành trường cao đẳng trọng điểm của khu vực miền núi phía Bắc/ trung tâm tri thức và khoa học của tỉnh…., Trường Cao đẳng Bắc Kạn luôn nhận được sự quan tâm, định hướng, hỗ trợ và tạo điều kiện của UBND tỉnh. Tuy nhiên, là một trường nghề nằm trong khu vực kinh tế khó khăn, giao thông chưa thuận tiện, học sinh chủ yếu đến từ các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, nghèo, chủ yếu là đối tượng học sinh tốt nghiệp lớp 9….

Trong suốt quá trình kể từ khi thành lập trường đến nay, là khoảng thời gian nhà trường thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên, hệ thống ngành nghề đào tạo, chương trình giáo trình và các định hướng cơ bản cho sự phát triển bền vững nhà trường.

Hiện nay, trường được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TBXH cấp phép đào tạo 19 nghề, gồm 07 mã ngành/nghề trình độ cao đẳng, 08 mã ngành/nghề trình độ trung cấp, 04 nghề trình độ sơ cấp; Bộ Giáo dục & Đào tạo cấp 01 mã nghề cao đẳng sư phạm Mầm non. Trường tập trung đào tạo các lĩnh vực ngành nghề như: Kỹ thuật Cơ khí; kỹ thuật Điện; Nông nghiệp; Du lịch, Khách sạn, Nhà hàng; Kế toán; Công nghệ thông tin; Sư phạm

Trường có tổng diện trên 10ha. Những năm qua, từ các nguồn vốn trong và ngoài nước, nhà trường đã được đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm máy móc, trang thiết bị đào tạo nghề hiện đại như: Nhà học lý thuyết, phòng tích hợp giảng dạy các nghề; Xưởng thực hành nghề Công nghệ ô tô với tổng diện tích gần 2000m2; xưởng thực hành nghề Kỹ thuật cơ khí rộng gần 1.500m2; trang trại thực hành nghề thú y trên 1000m2… đáp ứng nhu cầu thực hành, thực tập và nghiên cứu khoa học của các khoa chuyên môn.

Nhà trường hiện có hệ thống trang thiết bị đào tạo cơ bản đáp ứng tốt cho công tác đào tạo các ngành nghề theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ GD&ĐT và điều kiện thực tiễn của nhà trường. Hiện tại, trường có 1.238 danh mục các loại máy móc, trang thiết bị đào tạo. Đi kèm với đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng, thường xuyên được của đi đào tạo, cập nhật kiến thức. Hiện, Trường có 119 cán bộ, viên chức, trong đó có 109 giảng viên, giáo viên, nhà giáo có trình độ đạt chuẩn theo yêu cầu, có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, có kỹ năng tay nghề cao.

Bên cạnh đó, Công tác liên kết – hợp tác luôn được Trường quan tâm đầu tư, nâng cao hiệu quả. Nhà trường đã ký cam kết hợp tác đào tạo, giới thiệu ba bên với hơn 30 doanh nghiệp. Ví dụ, Khoa Cơ điện đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH Thiên Sơn, Công ty Towada (Nhật Bản), Công ty Lilama 96.1, Công ty Kết cấu thép Sóc Sơn, … bảo đảm toàn bộ các học viên của Khoa được thực tập và có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Các hoạt động liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục của khu vực phía Bắc cùng các chuyến đi tham quan học tập trong và ngoài nước đã cung cấp cho Trường nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá trong quản lý, đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình.. v.v.

Về cơ cấu ngành/nghề đào tạo, căn cứ theo thế mạnh và định hướng phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh, Trường Cao đẳng Bắc Kạn tập trung đào tạo các lĩnh vực ngành nghề sau đây:

  • Lĩnh vực kỹ thuật Cơ khí: Công nghệ kỹ thuật cơ khí, Công nghệ hàn; Công nghệ ô tô. Sửa chữa máy động lực nhỏ; Sửa chữa xe máy (trình độ Sơ cấp);
  • Lĩnh vực kỹ thuật Điện: Điện công nghiệp, Điện dân dụng, Sửa chữa điện lạnh;
  • Lĩnh vực Nông nghiệp: Ngành chăn nuôi (Thú y, Chăn nuôi – Thú y); Vỗ béo trâu bò (trình độ Sơ cấp). Ngành trồng trọt (Khuyến nông lâm, Trồng trọt và bảo vệ thực vật); Sản xuất chè an toàn, Sản xuất rau an toàn (trình độ Sơ cấp).
  • Lĩnh vực Du lịch, Khách sạn, Nhà hàng: Kỹ thuật chế biến món ăn; nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng; nghiệp vụ lễ tân;
  • Lĩnh vực Kế toán: Kế toán; Quản trị doanh nghiệp;
  • Lĩnh vực Công nghệ thông tin: Tin học ứng dụng;
  • Lĩnh vực Sư phạm: Giáo dục Mầm non;
  • Một số lĩnh vực khác: Kỹ thuật xây dựng; Đào tạo lái xe ô tô các hạng B1, B2 và C (trình độ Sơ cấp).

Về hình thức đào tạo:  Trường thực hiện đào tạo theo 2 hình thức: Đào tạo tập trung chính quy và đào tạo thường xuyên. Ngoài ra, nhằm đáp ứng yêu cầu của người học, trường tổ chức các khóa đào tạo liên thông trình độ cao đẳng; đào tạo kết hợp học văn hóa với đào tạo nghề nghiệp; đào tạo kết hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; đào tạo bồi dưỡng, thi nâng bậc thợ cho cán bộ công nhân viên các đơn vị, doanh nghiệp theo đơn đặt hàng; liên kết với các trường Đại học trong khu vực để đào tạo các trình độ Đại học, Cao học (hệ vừa làm vừa học), ….

Về phương thức tổ chức đào tạo: Hiện nay, trường đang duy trì 2 phương thức tổ chức đào tạo: Đào tạo theo niên chế và Đào tạo theo phương thức tích lũy mô đun/tín chỉ.