Học nghề!
Học gì để không thất nghiệp? Câu hỏi thường trực của học trò và phụ huynh mỗi mùa tuyển sinh. Câu trả lời của các chuyên gia tư vấn mở ra nhiều hướng khác nhau nhưng tựu chung, học nghề dễ có việc làm hơn cả. Bởi theo các chuyên gia, thị trường lao động Việt Nam đang diễn ra tình trạng “ thừa thầy, thiếu thợ”. Cứ 10 chỗ làm việc thì 8 chỗ cần tới lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, chỉ 2 chỗ dành cho người tốt nghiệp đại học.
Tỉ lệ thất nghiệp bậc đại học trở lên cao hơn bậc cao đẳng, trung cấp. cụ thể, năm 2018 tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chiếm 22,24% lực lượng lao động, chỉ chiếm 1/3 cả nước và các nền công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, ở nhiều nước tỉ lệ này phổ biến là 50%.
Lực lượng lao động có trình độ cao đẳng, đại học chiếm tỉ lệ lớn nhất trong số lao động có bằng cấp. Tuy nhiên, nếu tính trên 1.000 dân, số lao động có trình độ cao đẳng trở lên ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng gần 30 người/1.000 dân trong khi con số tương ứng của Hàn Quốc là 52 và Nhật bản là 70. Đó là chưa kể đến tính trạng thiếu nguồn nhân lực cao cấp, các kỹ sư kỹ thuật, công nhân kỹ thuật trình độ cao do cấu trúc đào tạo lao động còn có nhiều bất hợp lý. “ Cơ cấu lao động theo bằng cấp phát triển lệch lạc đưa nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Thực trạng “thừa thầy thiếu thợ” là một vấn đề nan giải mà Việt Nam đang phải đối mặt”.
Hơn 255 nghìn thí sinh từ bỏ cuộc đua vào đại học.
Theo Bộ GD-ĐT tính đến hết ngày 30/6, cả nước có hơn 895 nghìn thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong số này, có hơn 640 nghìn thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Như vậy, còn khoảng 255 nghìn thí sinh chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT mà không có nhu cầu vào ĐH, CĐ (chỉ những trường CĐ đào tạo ngành giáo dục mầm non), chiếm tỷ lệ 28,5%.
80-85% học sinh, sinh viên trường nghề ra trường có việc làm ngay
Báo cáo đánh giá công tác tuyển sinh, giải quyết việc làm năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2020, TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy – Tổng cục GDNN, cho biết cả nước có 1.914 cơ sở GDNN, trong đó có 399 trường CĐ, 462 trường trung cấp và 1.053 trung tâm GDNN, giáo dục thường xuyên, mạng lưới các cơ sở GDNN rộng khắp cả nước tạo thuận lợi cho người học.
Kết quả tốt nghiệp và giải quyết việc làm sau tốt nghiệp năm 2019, tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh – thành cho thấy tỉ lệ học sinh, sinh viên (HSSV) khối giáo dục nghề nghiệp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 80% HSSV, trong đó, SV Cao đẳng ra trường có việc làm đạt 85%, trung cấp 80%. HSSV chưa có việc làm ngay phần lớn do tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn hoặc tìm kiếm những công việc có mức thu nhập và điều kiện phù hợp hơn. Một số trường có uy tín về chất lượng đào tạo, tỉ lệ HSSV có việc làm đạt 100%.
Để giáo dục nghề nghiệp ngày càng nâng cao chất lượng đào tạo, là môi trường thu hút học sinh, sinh viên, TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, 5 yêu cầu đối với lĩnh vực GDNN, gồm: Tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo; phát triển GDNN mở và linh hoạt; chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết doanh nghiệp, doanh nghiệp phải là trường học thứ hai; yêu cầu đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, trong đó tự chủ tài chính trong trường công phải triển khai từ năm 2025; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Trích dẫn báo “Học gì để không thất nghiệp?” số 128 tháng 6-2020