Sáng ngày 03/9/2020 nhóm tác giả sáng kiến “ Giải pháp tạo động lực làm việc cho viên chức và lao động trường Cao đẳng Bắc Kạn (BKC)” do Th.s Trịnh Tiến Long – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Bắc Kạn làm tác giả cùng cộng sự đã tổ chức Hội thảo “Vai trò của cán bộ trẻ trong xây dựng môi trường làm việc có động lực tại BKC”
Tham dự Hội thảo có 48 đại biểu có độ tuổi từ 26 đến 40 tuổi là lãnh đạo trẻ, cán bộ giảng viên các phòng, khoa và đặc biệt có Ông Vũ Xuân Nghĩa – Phó trưởng Khoa Cơ giới đường bộ – Là một trong những “Gương mặt điển hình tiêu biểu giai đoạn 2016 – 2020”, khách mời.
Một trường Cao đẳng có thể đạt được vị trí uy tín lớn khi có những cán bộ, giảng viên làm việc tích cực, sáng tạo và tâm huyết với nghề. Điều đó phụ thuộc vào cách thức và phương pháp mà những nhà quản lý sử dụng để tạo động lực làm việc cho cán bộ, giảng viên. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi bối cảnh tuyển sinh rất khó khăn, Trường Cao đẳng Bắc Kạn nói riêng đang gặp phải sự cạnh tranh rất mạnh mẽ từ các trường cao đẳng, đại học trong vùng. Nhận thức được điều này, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã chú trọng đến việc tạo động lực làm việc cho viên chức, và người lao động cả về vật chất và tinh thần. Song bên cạnh những mặt đạt được, vấn đề tạo động lực cho giảng viên tại trường Cao đẳng Bắc Kạn còn tồn tại những hạn chế cần được nhận diện đầy đủ là cơ sở cho việc nâng cao chất lượng vấn đề này như: Chính sách đãi ngộ chưa phù hợp để giảng viên tâm huyết với nghề và yên tâm công tác lâu dài; Thời gian làm việc và định mức giờ giảng, nghiên cứu khoa học (NCKH) chưa phù hợp dẫn đến ảnh hưởng đến động lực làm việc của giảng viên; Tiêu chí thi đua khen thưởng còn chưa rõ ràng nên gây ra hiện tượng cào bằng giữa các giảng viên, chưa xây dựng quy trình xét thưởng công bằng; Chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức và Chế độ khuyến khích giảng viên đi học nâng cao kiến thức chưa được quan tâm nhiều…
Hội thảo nhận được sự đóng góp ý kiến của 06 cán bộ giảng viên trẻ về các vấn đề chính của Hội thảo, ngoài ra còn bổ sung thêm các giải pháp như: Chung tay giúp đỡ học sinh nghèo để làm sao giữ được học sinh, nhất là những người có điều kiện hơn về kinh tế; Tăng cường cơ chế giao khoán (việc và kinh phí) cho các đơn vị, trong đó trước hết thí điểm giao khoán cho Tổ sửa chữa CSVC; Tiếp tục có nhiều diễn đàn “đối thoại mở” như lần này.
Bài viết: Nguyễn Thảo