Trong những năm gần đây, hoạt động đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn ngày càng có nhiều đổi thay tích cực, kỹ năng nghề của học viên từng bước được nâng cao, chất lượng giáo dục nghề nghiệp ngày càng được khẳng định. Đó là nhờ những đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ nhà giáo nơi đây, trong đó phải kể đến tấm gương điển hình, cô giáo Nông Thị Thư, Giảng viên chuyên ngành Lâm sinh – TT&BVTV, khoa Nông lâm.
Gặp gỡ và trò chuyện với cô Nông Thị Thư trong giờ giải lao, vừa tranh thủ thu hoạch những bông nấm được học viên trồng thực hành, cô Thư vui vẻ cho biết: Hiện nay, Khoa đã xây dựng được rất nhiều mô hình như: Mô hình nhà nấm; mô hình nhà màng, mô hình bệnh xá thú y, mô hình chăn nuôi… đây là điều kiện thực tiễn để học sinh, sinh viên có thể áp dụng cụ thể những kiến thức đã học trên lớp. Thông qua hình thức cầm tay chỉ việc, học viên có thể nắm rõ quy trình, có những trải nghiệm thực tế nhất trong bộ môn trồng trọt, đáp ứng yêu cầu và có kỹ năng nghề thành thục.
Trong quá trình tham gia giảng dạy của mình, cô Thư luôn tâm huyết, tìm tòi, xây dựng và chỉnh sửa chương trình, giáo trình cho phù hợp, nhằm giúp học sinh dễ tiếp thu kiến thức. Cô đã tiến hành chỉnh sửa 03 chương trình đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng năm 2021 gồm: Chương trình nghề Trồng trọt và bảo vệ thực vật hệ Trung cấp, chương trình cao đẳng nghề Khoa học cây trồng và liên thông cao đẳng Khoa học cây trồng. Cùng với đó, cô Thư cũng luôn chủ động liên hệ thực tập cho các lớp thuộc bộ môn quản lý. Trong năm học, cô liên hệ và tổ chức thực tập tại cơ sở sản xuất cho 02 lớp Trung cấp Trồng trọt và bảo vệ thực vật K16; lớp liên thông Cao đẳng khoa học cây trồng K2 cho 16 học sinh, với tổng số giờ thực tập là 585 giờ.
Hiện nay, cô giáo Nông Thị Thư đang được giao phụ trách quản lý mô hình nhà màng. Tại đây, cô đã tổ chức giảng dạy 522 giờ phần thực hành, thực tập; giảng dạy 112 giờ phần thực hành môn học, mô đun cho các lớp. Tiến hành cải tạo đất, đề xuất và lắp đặt hệ thống dây cáp; đưa vào trồng những cây có yêu cầu leo giàn; sử dụng hệ thống tưới tự động… để học sinh tiếp cận công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Em Hoàng Văn Sơn, học sinh Trung cấp Trồng trọt và bảo vệ thực vật K16 cho biết: Bản thân em lần đầu được tiếp cận với công nghệ, cách làm hiện đại nên rất hào hứng. Bắt tay vào thực hành, được chứng kiến quá trình sinh trưởng, ra hoa kết trái, được thu hoạch những sản phẩm do chính mình gieo trồng khiến chúng em thêm yêu nghề mình học. Dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo tận tình của cô Nông Thị Thư, em thấy tự tin hơn với kỹ năng của mình, hiểu sâu về đặc điểm từng loại cây trồng, có thể áp dụng với quy mô lớn khi canh tác thực tiễn.
Trong năm qua, những vụ cà chua, dưa lưới, dưa leo, nấm sò, ngô ngọt… được trồng trong mô hình đã đạt năng suất, sản lượng vượt ngoài mong đợi. Nổi bật trong đó là 02 vụ cà chua đạt sản lượng 486 kg, 02 vụ dưa lưới với số lượng 800 cây. Riêng đối với cây dưa lưới, mặc dù là loại cây trồng mới mà cả giáo viên và học sinh của Khoa đều là lần đầu tiên vừa nghiên cứu kỹ thuật, vừa trồng, nhưng sản lượng thu hoạch đạt 448 kg. Qua đó bước đầu khẳng định những hoạt động dạy học và sản xuất hiện nay tại mô hình là phù hợp với xu thế nông nghiệp an toàn, hiện đại
Là một trong những người được chọn tham gia Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2021, cô Nông Thị Thư đã đăng ký thực hiện bài giảng lý thuyết thuộc nghề Trồng trọt và bảo vệ thực vật. Cô chia sẻ: Để thực hiện tốt nhất cho Hội giảng, tôi lập kế hoạch tự luyện tập bài giảng và tổ chức dự giờ trong bộ môn, đề xuất dự giờ cấp khoa để gióp ý cho bài giảng, tổng số giờ dự, góp ý trong bộ môn và khoa là 16 giờ. Theo kế hoạch luyện giảng của nhà trường thực hiện dự giờ 05 buổi có sự hướng dẫn, góp ý của chuyên gia ngoài trường. Kết quả: Hội giảng bài giảng được chấm 86/100 điểm và đạt giải khuyến khích, được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tặng giấy khen.
Với cương vị là Trưởng Bộ môn Lâm sinh – Trồng trọt & BVTV, cô đã cùng các đồng nghiệp của mình đầu tư nhiều thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa chương trình, giáo trình cho phù hợp và ngày càng nâng cao về chất lượng dạy và học. Những tâm huyết của cô đang góp phần vào sự phát triển chung của trường Cao đẳng Bắc Kạn ngày càng thêm lớn mạnh.
Thu Hường