Tin tức

Chọn hướng đi hợp lý sau lớp 9

Năm học 2022 – 2023, TP HCM có hơn 109.000 học sinh lớp 9. Chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của các trường THPT là 77.294 em, hơn 31.700 học sinh còn lại sẽ tìm lối đi riêng

 
 

Dù trúng tuyển cả 3 nguyện vọng tại kỳ thì tuyển sinh lớp 10 năm 2022 nhưng em Đặng Dương Kim Ngân lại chọn theo học trung cấp nghề Công nghệ kỹ thuật điều khiển tự động tại Trường CĐ Lý Tự Trọng (TP HCM). Gia đình rất bất ngờ với quyết định của Ngân, bởi lẽ đa số phụ huynh cho rằng học THPT công lập luôn là lựa chọn tốt nhất.

Đậu 3 nguyện vọng vẫn chọn trung cấp nghề

Ngân cho biết bản thân rất đam mê các ngành nghề liên quan kỹ thuật tự động vì vậy đã xác định theo học nghề từ khi đang học lớp 9. Dù đã xác định học nghề từ rất sớm nhưng Ngân vẫn quyết tâm ôn tập và dự thi tuyển sinh THPT.

“Học chưa bao giờ là đủ, em muốn thử sức xem khả năng mình đến đâu. Đây cũng là cách để em khẳng định với cha mẹ và những người xung quanh rằng không phải đi học nghề là học sinh (HS) yếu” – Ngân bày tỏ.

Buổi học thực hành của em Đặng Dương Kim Ngân tại Trường CĐ Lý Tự Trọng

Đến nay, sau một năm theo học, Ngân vẫn giữ phong độ với thành tích học xuất sắc ở lớp. Cô tự tin khẳng định đây là lựa chọn đúng đắn nhất của mình.

Em Huỳnh Minh Vương (quận Tân Bình, TP HCM) cũng xác định học trung cấp sau khi tốt nghiệp THCS. Vương cảm thấy vui vì vừa có thể học nghề vừa học văn hóa mà không phải chịu áp lực học phí.

“Em đã tìm hiểu rất kỹ trước khi nộp hồ sơ. Nếu chăm chỉ học tập, sau 3 năm, em sẽ tốt nghiệp với bằng trung cấp nghề và bằng THPT. Như vậy, em học còn nhanh hơn các bạn cùng trang lứa” – Minh Vương dí dỏm.

TS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TP HCM, cho rằng HS cần xác định mục đích của việc học từ khi còn ở lớp 9 để đưa ra những lựa chọn phù hợp. “Không xác định được mục đích sẽ ảnh hưởng đến một quá trình rèn luyện rất dài. Vừa mất thời gian vừa mất rất nhiều tiền học phí nhưng cuối cùng, nhiều em ra trường vẫn làm trái ngành” – TS Sáng băn khoăn.

Học THPT là con đường tốt nhất cho học sinh lớp 9 song đó không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Theo TS Sáng, rất nhiều HS đang học bị động vì làm theo mong muốn của phụ huynh. HS mất khoảng thời gian rất dài từ 5-7 năm, sau khi tốt nghiệp ĐH mới phát hiện bản thân không phù hợp với ngành nghề đã học.

TS Sáng cho rằng kết quả cuối cùng của việc học tập chính là giúp HS, sinh viên sau khi ra trường có thể tự tin tìm được việc làm đúng đam mê, sở thích và mức lương ổn định. Như vậy, quá trình học tập mới có hiệu quả, đồng thời nâng cao giá trị sáng tạo, chất lượng làm việc của mỗi cá nhân.

(Visited 150 times, 1 visits today)