ThS. Trịnh Tiến Long – Hiệu trưởng trường CĐN DTNT Bắc Kạn
Trích lược “Báo cáo thu hoạch tại khóa tập huấn về “Dự báo và cân bằng nhu cầu kỹ năng”, do ILO tổ chức tại Turino nước Cộng hòa Italia, tháng 4 năm 2018”
Lời tựa của Ban biên tập:
Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) được thành lập năm 1919, ILO là một tổ chức quốc tế chuyên môn của Liên hiệp quốc. Các cơ quan chính của ILO gồm: Hội nghị lao động quốc tế; Hội đồng quản trị; Văn phòng lao động quốc tế (Ban Thư ký); Các văn phòng khu vực; Các uỷ ban công nghiệp và các nhóm chuyên gia; Hai cơ quan hỗ trợ là Trung tâm Đào tạo Quốc tế và Học viện Quốc tế về Nghiên cứu Lao động.
Chương trình Nghị sự về Việc làm Bền vững được coi là tiêu chí và nền tảng cho mọi hoạt động của ILO hiện nay. Chương trình được tập trung hỗ trợ 6 lĩnh vực chính là (1) Cơ hội việc làm dành cho mọi đối tượng lao động; (2) Tự do lựa chọn việc làm; (3) Việc làm hiệu quả; (4) Công bằng trong việc làm; (5) An toàn và an sinh xã hội trong công việc; (6) Tôn trọng nhân phẩm người lao động.
Từ ngày 16 đến 20 /4/2018, tại thành phố Turino (Cộng hòa Italia) đã diễn ra khóa tập huấn về “Dự báo và cân bằng nhu cầu kỹ năng” dưới sự tài trợ của Dự án VIE/034 (trong khuôn khổ chương trình Lux-Dev), các đại diện của Ban quản lý dự án (bao gồm ông Phạm Duy Hưng – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, ông Trịnh Tiến Long – Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề DTNT Bắc Kạn) đã tham dự khóa tập huấn.
Sau đây Ban biên tập xin được trích lược “Báo cáo thu hoạch tại khóa tập huấn về Dự báo và cân bằng nhu cầu kỹ năng” do Thạc sĩ Trịnh Tiến Long – Hiệu trưởng nhà trường chủ biên.
Khái niệm kỹ năng
Kỹ năng là một vấn đề phức tạp, gần đây được các nhà nghiên cứu bàn luận khá nhiều. Trong bối cảnh thị trường lao động toàn cầu hóa, nhất là tại Việt Nam, trước tình trạng đào tạo không đáp ứng với thực tiễn nhu cầu xã hội thì vấn đề kỹ năng đã được nhiều nhà tuyển dụng đề cập, nhất là đối với khu vực các doanh nghiệp tư nhân, việc đòi hỏi kỹ năng đã bắt đầu được sếp thứ tự ưu tiên trước đòi hỏi về bằng cấp.
Với nhiều quan điểm, cách tiếp cận khác nhau trên từng lĩnh vực hoạt động, nghiên cứu mà có những định nghĩa khác nhau về kỹ năng. Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới, bộ kỹ năng của người lao động bao gồm nhiều lĩnh vực kỹ năng khác nhau (kỹ năng nhận thức, kỹ năng xã hội và hành vi, kỹ năng kỹ thuật). Về tổng thể, kỹ năng được phân làm 03 loại, nếu xét về tổng quan thì gồm (kỹ năng chuyên môn, kỹ năng sống và kỹ năng làm việc), nếu xét theo liên đới chuyên môn được phân thành: Kỹ năng cứng; Kỹ năng mềm; Kỹ năng hỗn hợp.
Tại Việt Nam, trước yêu cầu của nền công nghiệp hóa, gần đây thuật ngữ “kỹ năng mềm” được đề cập nhiều. Kỹ năng mềm là thuật ngữ dùng để chỉ các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống con người như (kỹ năng sống, giao tiếp, lãnh đạo, làm việc theo nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, quản lý sự thay đổi, vượt qua khủng hoảng, sáng tạo và đổi mới…). Kỹ năng mềm khác với kỹ năng cứng để chỉ trình độ chuyên môn, kiến thức chuyên môn hay bằng cấp và chứng chỉ chuyên môn. Thực tế cho thấy người thành đạt chỉ có 25% là do những kiến thức chuyên môn, 75% còn lại được quyết định bởi những kỹ năng mềm mà họ được trang bị.
Trong phạm vi lĩnh vực của đào tạo nghề, kỹ năng kỹ thuật được yêu cầu cao hơn, theo đó có hai định nghĩa sau đây là khá phù hợp: “Kỹ năng là sự vận dụng kiến thức, kinh nghiệm đã có để giải quyết một nhiệm vụ hay thực hiện một công việc nào đó theo yêu cầu của nghề phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện cho phép” hoặc “ Kỹ năng là năng lực thực hiện một hành động hay một hoạt động nào đó bằng cách lựa chọn và vận dụng những tri thức, cách thức hành động đúng đắn để đạt được mục đích đề ra”.
Sự mất cân bằng kỹ năng
Trong thực tiễn, nhất là sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thì nhu cầu kỹ năng luôn phát triển nhanh chóng hơn các khóa đào tạo của các trường học. Về xu thế nhu cầu lao động và việc làm, đối với các nước đang phát triển (như Việt Nam) thì đòi hỏi nhu cầu kỹ năng biến động nhanh hơn do có nhiều lao động trẻ. Do đó giới trẻ phải được trang bị những kỹ năng phù hợp để tạo ra việc làm, giảm thiểu thất nghiệp, cùng với đó Chính phủ cần có hệ thống dự báo nhu cầu kỹ năng.
Theo điều tra của tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy, xu thế biến động cung cầu của thị trường lao động thế giới theo hướng như sau: nếu chia thành 03 mức kỹ năng (cao, trung bình, thấp) thì nhóm lao động có kỹ năng cao và trung bình thường có nhu cầu khá cao, nhóm có kỹ năng thấp có nhu cầu là nhỏ nhất. Tuy nhiên, nếu liên hệ tại các nước có nền công nghệ sản xuất lạc hậu thì nhóm kỹ năng thấp lại có nhu cầu khá cao do sử dụng một lượng lớn lao động phổ thông.
Trong diễn biến của thị trường lao động, liệu rằng cứ người có kỹ năng cao thì sẽ làm việc ở vị trí yêu cầu cao về kỹ năng hay không? câu trả lời là không, ngay cả ở các nước phát triển. Sự mất cân bằng kỹ năng thường xảy ra dưới hai dạng:
Thứ nhất, người có kỹ năng nhưng không tìm được việc làm (có thể do thị trường không còn nhu cầu), người không có kỹ năng cũng không tìm được việc làm (có thể nhà tuyển dụng tuyển người có kỹ năng cao hơn).
Thứ hai, trình độ học vấn cao, có kỹ năng cao hoặc ngược lại trình độ học vấn cao nhưng kỹ năng kém; trình độ học vấn thấp đồng thời có kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng.
Trong thực tế cả 02 dạng mất cân bằng nêu trên đều có thể xảy ra thất nghiệp. Hoặc xảy ra tình trạng học vấn cao, kỹ năng cao vẫn phải làm việc ở vị trí yêu cầu kỹ năng thấp. Theo thống kê, ngay cả các nước phát triển vẫn xảy ra tình trạng có lao động kỹ năng cao buộc phải làm việc ở vị trí việc làm có kỹ năng thấp (thừa cầu). Tình trạng “chảy máu chất xám” hay việc xuất/ nhập khẩu lao động có kỹ năng thấp từ nước nọ sang nước kia là hiện tượng dịch chuyển tự nhiên của thị trường lao động toàn cầu, và đó là biểu hiện của mất cân bằng kỹ năng.
Đo lường kỹ năng
Tùy theo đặc điểm về phạm vi, lĩnh vực công việc người ta có thể thiết lập ra các chỉ số, tiêu chí cụ thể để làm cơ sở cho việc đo lường (đánh giá) kỹ năng, xây dựng hệ thống đo lường kỹ năng. Theo đó, tùy từng trường hợp người ta có thể đo lường kỹ năng thông qua phương pháp định tính hay định lượng hặc kết hợp cả hai phương pháp.
Ngày nay, xuất phát từ nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao về kỹ năng làm việc, đòi hỏi của sự công bằng, minh bạch hóa trong việc làm và thu nhập, buộc các cơ sở đào tạo phải đổi mới phương thức đào tạo, trong đó xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra.
Giải pháp để cân bằng kỹ năng và vai trò của cơ sở đào tạo
Trước sự biến đổi liên tục của nền sản xuất xã hội, không thể có sự cân bằng kỹ năng một cách tuyệt đối (kể cả cấp độ quốc gia hay khu vực, toàn cầu) và trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế lại càng khó khăn hơn khi muốn tạo sự cân bằng kỹ năng ở trong một quốc gia hay mỗi địa phương.
Để việc cân bằng kỹ năng thực sự đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế, mỗi chính phủ cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, có thông tin thị trường lao động tốt. Hiện hầu hết các nước trên thế giới đều có hệ thống thông tin thị trường lao động với sự tham gia của nhiều cơ quan thuộc chính phủ, song sự vận hành có hiệu quả của hệ thống này lại chưa được như mong muốn, nhất là đối với các nước thị trường lao động kém phát triển.
Hai là, có hệ thống dự báo nhu cầu kỹ năng. Để thiết lập và duy trì có hiệu quả hệ thống dự báo nhu cầu kỹ năng, trước hết Chính phủ cần có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của hệ thống này đối với sự phát triển của nền kinh tế, hai là có nguồn lực đảm bảo thực hiện. Trên thế giới hiện chưa có nhiều nước có hệ thống dự báo nhu cầu kỹ năng (chủ yếu có ở các nước phát triển).
Ba là, có chính sách giáo dục và đào tạo tốt. Giáo dục và đào tạo thực sự là trụ cột, là công cụ cơ bản trong đảm bảo cân bằng nhu cầu kỹ năng. Do đó, để đảm bảo sự cân bằng kỹ năng, cần phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục và đào tạo.
Hình 2: Mục tiêu của các cơ sở đào tạo trong việc cân bằng các kỹ năng
Để đảm bảo tính hiệu quả và bền vững trong cân bằng nhu cầu kỹ năng, các giải pháp trên phải nằm trong sự đồng bộ của hệ thống chính sách về lao động, việc làm và giáo dục, đào tạo.
Ngày nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp đào tạo, trong đó xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra, đảm bảo đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn của sản xuất và dịch vụ, chú ý giành thời lượng và môi trường để rèn luyện các kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên, từng bước tiếp cận chương trình đào tạo phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Dự báo và cân bằng nhu cầu kỹ năng tại Trường Cao đẳng nghề DTNT Bắc Kạn
Nếu nói thực hiện dự báo và cân bằng nhu cầu kỹ năng trong phạm vi một cơ sở đào tạo là không thực tế. Bởi như trên đã nói, cơ sở đào tạo chỉ là một thành tố tham gia vào chuỗi nhiệm vụ đó, vai trò chính của nó là góp phần cân bằng kỹ năng. Để đảm bảo sự cân bằng nhu cầu kỹ năng thì nhiệm vụ dự báo và cân bằng phải được thực hiện đồng bộ, trong đó công tác dự báo phải đi trước một bước.
Trong hoạt động đào tạo, chương trình đào tạo là yếu tố cốt lõi, quyết định đến chất lượng đào tạo cũng như sự đáp ứng nhu cầu kỹ năng. Muốn có chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu kỹ năng cho thị trường lao động, trước hết phải có bước khảo sát, đánh giá nhu cầu. Tại Trường Cao đẳng nghề DTNT Bắc Kạn, công tác xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo được tiến hành thường xuyên và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, cùng với đó hàng năm tiến hành điều tra lần vết học sinh sau tốt nghiệp, khảo sát nhu cầu doanh nghiệp… Như vậy, vô hình chung cơ sở đào tạo đã thực hiện một phần nhiệm vụ của công tác dự báo nhu cầu kỹ năng.
Để góp phần làm tốt vai trò cân bằng nhu cầu kỹ năng, cơ sở đào tạo phải đáp ứng được đồng thời ba yếu tố (cơ cấu ngành nghề, quy mô và chất lượng đào tạo). Căn cứ nhu cầu lao động tỉnh Bắc Kạn, với các ngành nghề đào tạo hiện nay, Trường Cao đẳng nghề DTNT Bắc Kạn đã đáp ứng cơ bản cơ cấu ngành nghề (công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ), tuy nhiên quy mô và chất lượng đào tạo chưa thực sự đáp ứng, đặc biệt học sinh còn yếu về các kỹ năng mềm. Được sự hỗ trợ của Dự án VIE/034, hiện nhà trường đang từng bước chuẩn hóa, nâng cao năng lực đào tạo, trong đó chuẩn bị tổ chức đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh (theo kế hoạch sẽ bắt đầu đưa vào chương trình đào tạo từ năm học 2018 – 2019).
Sự cần thiết của việc thiết lập hệ thống dự báo nhu cầu kỹ năng tại tỉnh Bắc Kạn
Hiện nay ở nước ta đã có hệ thống (các cơ quan) làm nhiệm vụ thông tin thị trường lao động (do ngành Lao động – TBXH quản lý). Về bản chất, cơ quan này đã thực hiện một phần nhiệm vụ dự báo nhu cầu kỹ năng.
Đối với tỉnh Bắc Kạn, cơ cấu kinh tế và lao động nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ lớn, công nghiệp chưa phát triển, số lượng doanh nghiệp ít, chủ yếu là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, công nghệ sản xuất còn lạc hậu… Với đặc điểm đó, việc dự báo nhu cầu kỹ năng có thể thực hiện được dễ dàng hơn so với các tỉnh, thành phố có nền công nghiệp, kinh tế phát triển.
Thực tế tại Bắc Kạn hiện nay, mặc dù chưa có hệ thống cơ quan dự báo, song thông qua hệ thống thông tin thị trường lao động (kể cả trong quá trình hoạt động đào tạo của nhà trường), chúng ta cũng đã biết được những thiếu hụt nhu cầu kỹ năng cơ bản nào, trong đó tình trạng lao động thiếu các kỹ năng mềm là phổ biến nhất. Có điều sự thiếu hụt kỹ năng mềm đã được biết từ lâu, song chúng ta vẫn không thể có được giải pháp mang tính tổng thể, chiến lược để có thể cân bằng được khoảng trống kỹ năng ấy?
Theo tính toán của các chuyên gia, việc thiết lập và duy trì có hiệu quả hệ thống dự báo nhu cầu kỹ năng cần phải có một nguồn lực đáng kể, và sẽ phát huy hiệu quả hơn nếu có hệ thống dự báo trên phạm vi cả nước. Thiết nghĩ, về mặt lý thuyết việc thiết lập hệ thống dự báo nhu cầu kỹ năng tại tỉnh Bắc Kạn là cần thiết, song trong điều kiện nguồn lực hạn chế liệu Bắc Kạn có cần thiết phải thiết lập hệ thống dự báo này hay chưa? Thay bằng việc trước mắt tập trung đầu tư, làm tốt nhiệm vụ cần bằng nhu cầu kỹ năng thông qua việc xây dựng năng lực đào tạo của Trường Cao đẳng nghề DTNT Bắc Kạn đáp ứng cơ cấu ngành nghề, quy mô và chất lượng đào tạo, trong đó sớm đưa chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên vào Chương trình đào tạo chính thức.