Tập san thông tin khoa học

NHÂN LỰC SỐ NHỮNG NĂM TỚI

Đã đăng trên

 

ThS. Nguyễn Thị Thảo & ThS.  Lê Văn Nhã

Phòng QLKH&ĐBCL – Trường Cao đẳng nghề DTNT Bắc Kạn

Trích đăng Tạp chí Tia sáng, số 05 ngày 05/3/2018:

1. “Diễn đàn khoa học và phát triển”, tr10, 11,12 – Tác giả: Hồ Tú Bảo.

2. “WEF: Việt Nam chưa sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần

 thứ 4”- Tác giả: Bảo Như.

Suốt năm qua chúng ta đã nói và nghe nhiều về thế nào là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4). Đã đến lúc chúng ta nói nhiều hơn về những việc phải làm và làm thế nào. Một trong những việc đó là chuẩn bị nguồn lao động số trong những năm tới.

Việc phát minh ra động cơ hơi nước năm 1784 đã giúp nước Anh và châu Âu nổi lên như là các cường quốc trong CMCN lần thứ nhất; việc phát minh ra động cơ điện (1870) đã mở rộng tầm ảnh hưởng của các cường quốc như Mỹ, Đức và sau đó là Nhật Bản trong CMCN lần thứ 2; và sự ra đời của công nghệ bán dẫn, vi mạch, máy tính, Internet trong CMCN lần thứ 3 trong một thời gian ngắn giúp Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore từ những quốc gia, vùng lãnh thổ đầy khó khăn chính thức gia nhập nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các Hệ thống Thực – Ảo (Cyber-Physical Systems – CPS), Mạng lưới vạn vật kết nối internet (Internet of  Things – IoT) và điện toán đám mây (Cloud Computing).  

Hiện nay, cuộc CMCN lần thứ 4 (CMCN 4.0) với trung tâm là một thế giới siêu kết nối số đang làm thay đổi nhanh chóng và sâu rộng cuộc sống, hành vi của mỗi người dân, tạo điều kiện thuận lợi để tăng năng suất và phát sinh ra những mô hình, cách thức kinh doanh mới và những người có thu nhập thấp cũng có thể tận dụng và thụ hưởng trực tiếp thành quả.

Mức độ tự động hóa một số ngành nghề

Bản chất của CMCN4 là sản xuất thông minh nhờ vào tiến bộ của công nghệ số trong hai thế giới kết nối với nhau trong đó ta đang và sẽ sống: thế giới các thực thể và thế giới các phiên bản số của các thực thể (thế giới số).

Điều chắc chắn là các công nghệ số sẽ tự động hóa nhiều việc làm trong hầu hết các ngành nghề. Điều chưa chắc chắn là công nghệ số sẽ tự động hóa các ngành nghề được đến mức nào. Có hai mặt của chuyện này: công nghệ số sẽ lấy đi nhiều việc nhưng cũng mở ra cơ hội cho rất nhiều loại việc mới.

Trong một nghiên cứu tại Đại học Oxford vào năm 2013, hai chuyên gia Frey và Osborne đã phân tích dự đoán 702 ngành nghề và xếp chúng theo xác suất về mức độ công nghệ số có thể thay thế con người. Bảng 1 và bảng 2 chỉ ra một số ngành nghề có thể tự động hóa được nhiều nhất và ít nhất.

Bảng 1. Một số nghề có khả năng tự động hóa được nhiều nhất

Xác suất Nghề nghiệp
0.99 Nhân viên tiếp thị từ xa (telemarketers) 
0.99 Nhân viên kỹ thuật thư viện
0.98 Người định giá bảo hiểm
0.98 Trọng tài thể thao, các viên chức thể thao khác
0.98 Thư ký pháp luật
0.97 Chủ khách sạn, quán ăn, quán cà-phê
0.97 Người môi giới bất động sản
0.97 Nhà thầu lao động nông nghiệp
0.96 Thư ký và trợ lý hành chính ngành luật, ngành y
0.94 Nghề chuyển phát nhanh

Bảng 2. Một số nghề ít khả năng tự động hoá được nhất

Xác suất Nghề nghiệp
0.0028 Chuyên gia trị liệu
0.0040 Biên đạo múa
0.0042 Bác sĩ và bác sĩ phẫu thuật
0.0043 Nhà tâm lý
0.0055 Nhà quản lý nguồn nhân lực
0.0065 Nhà phân tích hệ máy tính
0.0077 Nhà nhân chủng học và nhà khảo cổ học
0.0100 Kỹ sư hàng hải và kiến trúc sư hải quân
0.0130 Người quản lý kinh doanh
0.0150 Giám đốc điều hành

Những điều trên đưa chúng ta đến câu chuyện về người lao động trong những thập kỷ đang tới. Người lao động cần phải có những kỹ năng mới nào, sẽ học và làm những nghề nào.

sơ đồ

Trong một báo cáo của Ngân hàng Thế giới vào năm 2016 chỉ ra mối tương quan giữa khả năng dùng được công nghệ số trong các ngành nghề (trục tung với mức trung bình là 0.5) và mức độ hiện đang dùng công nghệ số trong các ngành nghề (trục hoành với mức trung bình là 4) – Hình 1

Nhiều thứ thấy trên hình 1 dường như không nằm trong suy nghĩ thông thường của ta. Nhiều nghề hiện dùng công nghệ số ở mức khá hoặc trên trung bình như thầy giáo trung học (secondary education teachers) với khoảng 5 điểm hoặc nghề thầy thuốc (medical doctors) với khoảng hơn 6 điểm dù khả năng dùng được công nghệ số trong các nghề này thực ra đều hạn chế, chỉ dưới 0.1. Trong khi đó một số nghề hiện dùng công nghệ số còn ở mức thấp, gần zero (0.0) như nghề nông (agriculture worker), hoặc gần 1.0 như nghề lái xe (driver) hay nghề may mặc (garment worker), trong khi khả năng dùng công nghệ số của các nghề này rất cao, đưa cho ta những nhìn nhận mới, cho thấy triển vọng lớn của Việt Nam, khi đất nước định hướng những mũi nhọn kinh tế là công nghệ thông tin, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… Những lĩnh vực này còn rất mở cho công nghệ số, là những “vùng đất mênh mông” nơi tuổi trẻ và trí tuệ Việt Nam cần và có thể tiến vào khai phá. Đây cũng là những nơi quan trọng để người làm chính sách, làm đào tạo hướng tới.

Kỹ năng người lao động cần có                  

Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2016 nhận định những kỹ năng cần thiết cho công ăn việc làm của số đông người lao động trong thời chuyển đổi số (hình 2). Những kỹ năng mới này được chia thành ba khối, về khả năng (khả năng về nhận thức và thể chất), kỹ năng cơ bản (kỹ năng về chuyên môn và xử lý công việc), và kỹ năng đa chiều (kỹ năng về xã hội, hệ thống, kỹ thuật, giải quyết vấn đề phức tạp, và quản lý nguồn lực).

Khả năng Kỹ năng cơ bản Kỹ năng đa chiều

Khả năng nhận thức

  • Linh hoạt trong nhận thức
  • Sáng tạo
  • Lập luận lo gic
  • Nhạy cảm trong nhận thức
  • Lập luận toán học
  • Khả năng hiển thị

Kỹ năng chuyên môn

  • Học tập chủ động
  • Trình bày
  • Đọc hiểu
  • Văn viết
  • Tin học và truyền thông cơ bản

Kỹ năng xã hội

  • Phối hợp với người khác
  • Trí tuệ và cảm xúc
  • Đàm phán
  • Thuyết phục
  • Định hướng dịch vụ
  • Huấn luyện và dạy người khác

Kỹ năng quản lý nguồn lực

  • Quản lý tài chính
  • Quản lý nguồn lực vật chất
  • Quản lý nhân sự
  • Quản lý thời gian

Năng lực thể chất

  • Thể lực
  • Khả năng thủ công chính xác

Kỹ năng xử lý công việc

  • Lắng nghe tích cực
  • Tư duy phê phán
  • Biết giám sát mình và những người xung quanh

Kỹ năng hệ thống

  • Phán quyết và ra quyết định
  • Phân tích hệ thống

Kỹ năng kỹ thuật

  • Sử chữa và bảo hành thiết bị
  • Điều khiển và sử dụng thiết bị
  • Lập trình
  • Kiểm tra chất lượng
  • Diễn giải kỹ thuật và kinh nghiệm người dùng
Kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp

  • Giải quyết những vấn đề phức tạp
  • Tư duy phê phán
  • Biết giám sát mình và những người xung quanh

Hình 2. Ba khối kỹ năng cơ bản liên quan đến nghề nghiệp thời chuyển đổi số

Tầm quan trọng của các kỹ năng cũng thay đổi theo thời gian và sự phát triển xã hội, và khó dự đoán trong quãng thời gian dài. Nhưng có thể thấy 10 kỹ năng hàng đầu xếp theo tầm quan trọng vào các năm 2015 và 2020 trong bảng 3.

Từ đây có thể thấy kỹ năng giải quyết những vấn đề phức tạp hay kỹ năng xã hội vào năm 2020 là những kỹ năng hàng đầu. Điều đáng quan tâm là hai kỹ năng “quản lý chất lượng” và “lắng nghe tích cực” của năm 2015 đã không có trong danh sách 10 kỹ năng quan trọng nhất của năm 2020, và được thay bằng hai kỹ năng “quản lý nhân sự” và “trí tuệ cảm xúc”. “Trí tuệ cảm xúc” (emotional intelligence, tức việc nhận thức được phản ứng của người khác và hiểu tại sao họ phản ứng vậy) trở thành một kỹ năng quan trọng trong những năm tới đây khi mọi việc hay dở đều được gắn với truyền thông và lan tỏa rất nhanh. Thêm nữa, thứ tự của các kỹ năng này cũng thay đổi đáng kể. Chẳng hạn “tính sáng tạo” và “tư duy phê phán” được xếp phía trên trong nhóm kỹ năng hàng đầu của năm 2020.

Bảng 3: 10 kỹ năng hàng đầu được thừa nhận rộng rãi thời chuyển đổi số.

Năm 2020 Năm 2015
  1. Giải quyết vấn đề phức tạp
  2. Tư duy phê phán
  3. Tính sáng tạo
  4. Quản lý nhân sự
  5. Hợp tác với người khác
  6. Trí tuệ cảm xúc
  7. Phán quyết và ra quyết định
  8. Định hướng dịch vụ
  9. Đàm phán
  10. Linh hoạt trong nhận thức
  1. Giải quyết vấn đề phức tạp
  2. Hợp tác với người khác
  3. Quản lý nhân sự
  4. Tư duy phê phán
  5. Đàm phán
  6. Quản lý chất lượng
  7. Định hướng dịch vụ
  8. Phán quyết và ra quyết định
  9. Lắng nghe tích cực
  10. Tính sáng tạo

Dù các ngành nghề sẽ thay đổi, nhiều nghề giảm đi nhiều nghề tăng lên, có được những kỹ năng kể trên sẽ luôn là việc cần thiết của người lao động trong mọi ngành nghề. Để có thể thích nghi với sự thay đổi, những tri thức cơ bản về toán học và tin học là cần thiết cho mọi người, cho hầu hết mọi ngành nghề. Ở thời chuyển đổi số, với sự phổ biến của các công nghệ số trong những năm tới đây, hầu hết người lao động phải hiểu và quen biết với các con số, với dữ liệu, với sử dụng máy tính và các công cụ phân tích dữ liệu được tạo ra trên máy tính, giống như người nông dân quen với cái cày cái bừa hay người thợ mộc quen với cái cưa cái đục.

Những nhận thức sâu sắc và thay đổi lớn đã được thể hiện trong dự thảo chương trình phổ thông. Toán học ở trường phổ thông trong những năm tới đây được thiết kế để ai cũng có thể hiểu và dùng được, với 21% thời lượng học gắn với ứng dụng toán học, với 12% thời lượng học về hai môn xác suất và thống kê, học từ lớp 2 đến lớp 12, là môn học giúp hiểu và sử dụng được các con số và dữ liệu. Tin học từ một môn học phụ nay sắp trở thành môn học chính như toán, như văn… Chương trình ở các ngành nghề khác ở đại học, ở các trường dạy nghề, chắc chắn cũng cần những thay đổi thích hợp. Việc này đang bắt đầu ở các nước phát triển.

Tháng 5/2017, tại hội nghị Châu Á-Thái Bình Dương về Khai phá Dữ liệu (PAKDD), giáo sư Sang Kyun Cha – Viện trưởng Viện Dữ liệu lớn của Hàn Quốc – trong báo cáo đã nêu một nhận định về sự thành – bại của các quốc gia trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: “Một đe dọa có thật là chỉ một số ít quốc gia sẽ thắng cuộc và thu về tất cả, và mối đe dọa lớn hơn là khoảng cách giữa các nước giàu và nghèo sẽ càng tăng”.

Có thể nói, về bản chất, quốc gia nào thắng cuộc trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư là quốc gia làm chủ được công nghệ số và các nguồn dữ liệu, đưa chúng vào mọi lĩnh vực của sản xuất và cuộc sống, làm cho sản xuất và cuộc sống thông minh và hiệu quả hơn qua các phương pháp của trí tuệ nhân tạo.

Theo báo cáo về mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai “Readiness for the Future of Production Report 2018” do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới công bố, trong tổng số 100 quốc gia được đánh giá, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4) và các chỉ số liên quan đến đổi mới sáng tạo còn ở mức thấp.

Chỉ một số ít quốc gia hưởng lợi và vượt trội: Báo cáo đã phân tích, hệ thống sản xuất trên toàn cầu sẽ phải biến đổi để thích ứng, đáp ứng với những thách thức trong tương lai, và các nước trên thế giới sẽ phân cực: chỉ có 25 nước sẽ hưởng lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chủ yếu các quốc gia thuộc khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Á, chiếm hơn 75% giá trị sản xuất toàn cầu và tiếp tục có khả năng tăng trưởng thị phần trong tương lai.

Điểm số về công nghệ và đổi mới của Việt Nam thấp: Việt Nam được các chuyên gia xếp vào nhóm các quốc gia yếu kém. Trong số các tiêu chuẩn nền tảng để đánh giá mức độ sẵn sàng cho nền sản xuất trong tương lai thì các yếu tố về phát triển nguồn nhân lực và đổi mới sáng tạo công nghệ – liên quan trực tiếp đến quá trình chuẩn bị cho CMCN 4 của Việt Nam đều có điểm số thấp. Cụ thể:

– Việt Nam chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực, trong đó các chỉ số về lao động có chuyên môn cao xếp thứ 81/100, chất lượng đại học 75/100;

– Việt Nam chỉ xếp hạng 90/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo (Technology& Innovation), trong đó: hạng 92/100 về công nghệ nền (Technology Platform), hạng 77/100 về năng lực sáng tạo.

Nếu so sánh một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta xếp sau Malaysia (xếp hạng thứ 23/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo và 21/100 về nguồn nhân lực), Thái Lan (41/100 về công nghệ và đổi mới sáng tạo, 53/100 về nguồn nhân lực) hay Philippines (59/100 công nghệ và đổi mới sáng tạo và 66/100 về nguồn nhân lực). Việt Nam chỉ xếp hạng gần tương đương Campuchia (có xếp hạng tương ứng 83/100 và 86/100).

Muốn làm cách mạng phải có lực lượng. Muốn làm cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải có nguồn nhân lực số. Cần chuẩn bị và đào tạo ngay nguồn nhân lực số để đông đảo người lao động có thể dùng được công nghệ số trong nghề nghiệp của mình và một bộ phận tinh hoa có thể tạo ra công nghệ số cho những nghề nghiệp đó, nhất là những nghề trong hướng phát triển của đất nước.