Khoa Tổng hợpTin tức

Hội giảng nghề nghiệp – Nơi thể hiện năng lực nhà giáo

Đã đăng trên

Thực hiện Kế hoạch số 1134/KH-LĐTBXH ngày 10 tháng 6 năm 2020 của Sở lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn về việc tổ chức Hội giảng giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV năm 2020, trong hai ngày từ ngày 25/8/2020 đến ngày 26/8/2020 tại trường Cao đẳng Bắc Kạn đã diễn ra Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp lần thứ IV- Năm 2020.

Đến với Hội giảng lần này có sự góp mặt của 18 nhà giáo đến từ các đơn vị: Trường Cao đẳng Bắc Kạn; Trường Cao đẳng nghề số 1- Bộ Quốc phòng; Trung tâm GDNN-GDTX các huyện Chợ đồn, Chợ Mới, Pác Nặm; Trung tâm dạy nghề Công nông nghiệp Bắc Kạn. Trong đó Trường Cao đẳng Bắc Kạn có 07 nhà giáo tham gia thuộc các khoa: Tổng hợp, Nông Lâm, Cơ giới đường bộ, Cơ điện. Các nhà giáo tham gia Hội giảng lần này gồm 04 nhóm nghề đó là: Nông lâm nghiệp; Cơ điện, Công nghệ ô tô; Lái xe ô tô; Tổng hợp.

Đây là lần thứ tư tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Hội giảng luôn là nơi để tiếp tục chắp cánh cho những đam mê nghề nghiệp của các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Mặt khác, trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhà giáo càng cần không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và kết nối người học với thị trường lao động.

Đối với nhà giáo giáo dục nghề nghiệp thì mọi hoạt động đều xoanh quanh và lấy người học làm trung tâm. Vì thế, giáo viên phải dựa vào năng lực người học để thiết kế bài giảng phù hợp nhất. Không chỉ vậy, giáo viên còn đảm nhiệm vai trò của người dẫn dắt cũng như thuyết phục người học cả về kiến thức cũng như huấn luyện kỹ năng để học nghề mới đi đến đích. Có thể nói, người thầy chính là “kim chỉ nam” để tạo động lực cho người học. Hội giảng luôn đề cao yếu tố đánh giá năng lực toàn diện của nhà giáo thông qua sự chuẩn bị cả ba bài giáo án: Lý thuyết, thực hành và tích hợp. Với việc bắt buộc chuẩn bị ba giáo án về lý thuyết, thực hành hoặc tích hợp nhưng mỗi nhà giáo chỉ bốc thăm trình giảng một bài. Theo đó, năng lực của các thầy cô được xem xét dưới nhiều khía cạnh như nội dung bài giảng có phù hợp với học sinh, sinh viên? Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào mỗi bài giảng có hiệu quả? Phong thái có đĩnh đạc, tự tin, ngôn từ chính xác, rõ ràng, có sự chuyển tiếp hợp lý, sinh động, hấp dẫn hay không? Việc sử dụng đồ dùng, thiết bị bài giảng có triệt để, hài hòa không? Khối lượng kiến thức đưa ra trong một tiết giảng có bảo đảm độ chính xác, khoa học, gắn với thực tiễn? Các tình huống sư phạm có được xử lý tốt? Bên cạnh đó, nhiều yếu tố khác như thời gian thao giảng đảm bảo khung thời gian quy định không? …luôn được các giám khảo của Hội giảng chú trọng.

Sau 2 ngày trình giảng, Hội giảng giáo dục nghề nghiệp tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV năm 2020 đã kết thúc thành công tốt đẹp với 2 giải nhất, 04 giải nhì, 07 giải ba và 05 giải khuyến khích được trao. Vinh dự và tự hào đối với Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã đạt 01 giải nhất thuộc về giảng viên Lưu Quỳnh Dương, 02 Nhì thuộc về giảng viên Đặng Hoàng Ánh và Lê Duy Nam, 03 giải ba thuộc về giảng viên Nông Thị Thư, Nguyễn Viết Dương, Lý Văn Phượng; 01 giải khuyến khích thuộc về giảng viên Nguyễn Duy Linh.

Hi vọng nối tiếp thành tích đã đạt được trong hội giảng lần này, các nhà giáo nghề nghiệp nói chung và nhà giáo trường Cao đẳng Bắc Kạn nói riêng, sẽ trau dồi phương pháp sư phạm, kỹ năng nghề nghiệp, để đưa đến cho học sinh, sinh viên các tiết giảng hay, lý thú, bổ ích, góp phần phát triển các kỹ năng nghề, đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục nghề nghiệp hiện nay.

NTC
Ông Nguyễn Tiến Cương – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn – Trưởng Ban tổ chức trao giấy khen cho thí sinh đạt giải nhất
TTL
Ông Trịnh Tiến Long – Hiệu trưởng trường CĐBK – Phó Ban tổ chức trao giấy khen cho các thí sinh đạt giải nhì
LĐ
Lãnh đạo Nhà trường chụp ảnh lưu niệm cùng cán bộ giảng viên

Bài viết: Vũ Thị Hồng Lê – Khoa Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *