Tin tức

Hưởng ứng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam (4-10): Nâng cao nhận thức về kỹ năng lao động

Đã đăng trên

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Quyết định lấy ngày 4-10 hằng năm là Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Với chủ đề “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam vì khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam năm nay được một số cơ quan, đơn vị của tỉnh Bắc Kạn hưởng ứng tổ chức thông qua các hoạt động, hình thức tuyên truyền thiết thực.

Sinh viên học sinh Trường Cao đẳng Bắc Kạn hưởng ứng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 

Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam có mục đích kêu gọi các cơ quan, tổ chức, cá nhân cộng đồng trong nước hưởng ứng và đồng tình ủng hộ việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp bằng hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời dựa vào kỹ năng để nâng cao trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động. Thúc đẩy sự đồng hành, gắn kết của Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp và toàn xã hội trong phát triển kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Cán bộ, giáo viên Trường Cao đẳng Bắc Kạn và sinh viên, học sinh diễu hành hưởng ứng Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam

Nghị quyết 96/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của HĐND tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025 đưa ra mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo bảo đảm người lao động có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo, nâng cao năng suất, chất lượng lao động, có khả năng sáng tạo, thích ứng môi trường làm việc để đáp ứng nhu cầu về lực lượng lao động phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương và nhu cầu của thị trường lao động. Phấn đấu giai đoạn 2021 – 2025 đào tạo nghề cho 30.000 người trở lên, hằng năm tuyển mới và đào tạo 6.000 người trở lên ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng.

Trường Cao đẳng Bắc Kạn tôn vinh các sinh viên, học sinh khởi nghiệp thành công sau khi được đào tạo

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), gồm 8 cơ sở GDNN công lập; 7 doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN; 3 trường trung cấp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Trường Cao đẳng Bắc Kạn là cơ sở giáo dục đa ngành, nghề duy nhất của tỉnh tập trung tuyển sinh, mở lớp đào tạo các nghề trọng điểm quốc gia, đồng thời liên kết với các doanh nghiệp đào tạo lao động ngắn hạn theo đơn đặt hàng.

Nhờ đẩy mạnh công tác giáo dục nghề nghiệp nên người lao động từ chỗ không có nghề nghiệp đã có nghề, có việc làm và có thu nhập. Anh Lường Văn Trường sinh năm 1989, nhà ở thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, năm 2012 tốt nghiệp hệ trung cấp khoá 7, chuyên ngành công nghệ ô tô của Trường Cao đẳng Bắc Kạn. Sau ra trường, đến nay anh đã trở thành chủ gara sửa chữa ô tô, có mức thu nhập ổn định trên 15 triệu đồng/tháng. Còn anh Ma Văn Sao, sinh năm 1993, trú tại xã Cao Tân, huyện Pác Nặm, sinh viên khoá 11 điện công nghiệp của Trường Cao đẳng Bắc Kạn; giờ đã mở cửa hàng kinh doanh điện nước với thu nhập khá gần 20 triệu đồng/tháng. Hay anh Đàm Anh Tú, tốt nghiệp Chuyên ngành Thú y tại Trường Cao đẳng Bắc Kạn; giờ đang mở cửa hàng kinh doanh thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi tại xã Xuân Dương, huyện Na Rì thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng…

Việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nguồn nhân lực có kỹ năng nghề là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Vì thế, các cơ quan chức năng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm trang bị và nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động trong thời kỳ phát triển, hội nhập. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ…thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Đơn vị sử dụng lao động nên chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên cho người lao động, để có lực lượng lao động vững kỹ năng nghề. Đối với người lao động, cần chủ động trang bị cho bản thân những kỹ năng nghề nghiệp phù hợp.

Ở cấp vĩ mô, mối quan hệ gắn kết 3 “nhà”: Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp cần được củng cố, tăng cường; cùng với đó có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp công nhận, tuyển dụng, sử dụng, trả tiền lương, tiền công cho người lao động dựa trên kỹ năng, năng lực hành nghề…

Với các giải pháp đồng bộ trang bị và nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, chắc chắn tỷ lệ lao động có kỹ năng nghề ở tỉnh ta sẽ tăng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia tiếp tục được cải thiện.

 

Nguồn: Phương Thảo – Báo Bắc Kạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *