Tin tức

KÊU GỌI HƯỞNG ỨNG NGÀY KỸ NĂNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đã đăng trên

Trong khuôn khổ chương trình Lễ Khai giảng năm học 2023 – 2024 và mít tinh hưởng ứng Ngày kỹ năng lao động Việt Nam 04/10, đồng chí Bế Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã kêu gọi hưởng ứng ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Chúng tôi xin trích lại toàn văn bài kêu gọi.

Kính thưa các vị đại biểu.

          Kính thưa toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động và các em học sinh, sinh viên Nhà trường

          Những năm qua kể từ thời điểm công bố Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam đến nay, đã có nhiều chuyển biến trong nhận thức xã hội về tầm quan trọng và giá trị của kỹ năng lao động. Nhận thức của người dân nói chung, người lao động và người sử dụng lao động đối với phát triển kỹ năng từng bước được cải thiện, kỹ năng nghề được coi là “đơn vị tiền tệ” mới, là động lực để phát triền nghề nghiệp, nâng cao thu nhập và việc làm bền vững cho người lao động.

          Cộng đồng doanh nghiệp đã dần thay đổi trong tư duy và hành động, tuyển dụng và sử dụng lao động dựa vào trình độ kỹ năng và năng lực hành nghề, chủ động tham gia phát triển kỹ năng một cách có trách nhiệm, doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quá trình xây dựng chính sách và đào tạo kỹ năng cho người lao động.

          Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân đã tích cực tham gia vào quá trình tái định hình kỹ năng thời kỳ hậu Covid-19, giúp phục hồi và ổn định thị trường lao động thông qua các hoạt động như: tích cực chuẩn bị và tài trợ tham gia Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia; chủ động tổ chức đào tạo nghề cho lao động tại doanh nghiệp; tăng cường hợp tác với cơ sở Giáo dục nhề nghiệp (GDNN) về đào tạo nghề cho người lao động; tham gia các Hội đồng kỹ năng ngành; tham gia góp ý kiến về xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Chiến lược phát triển GDNN, các chương trình, đề án phát triển GDNN và nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam.

          Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, hiện nay, lực lượng lao động Việt Nam có khoảng hơn 51 triệu người, chiếm trên 55% dân số. Đây là đội ngũ những người trực tiếp làm ra của cải, vật chất, dịch vụ, góp phần làm tăng năng suất lao động, tăng năng lực cạnh tranh và là nguồn lực, động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

          Chất lượng và trình độ kỹ năng của người lao động càng đóng vai trò quan trọng và mang ý nghĩa lớn hơn trong bối cảnh thời kỳ dân số vàng và ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

          Việc chăm lo phát triển lực lượng lao động có kỹ năng nghề, đặc biệt là lao động có kỹ năng nghề cao theo đó được Đảng và nhà nước ta coi là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới và hướng đến hoàn thành mục tiêu cụ thể của Nghị Quyết tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

           Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là con đường để Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu đề ra. Việc xây dựng chính sách, chương trình đào tạo, đầu tư vào lĩnh vực đào tạo việc làm cần đặt lên hàng đầu. Đồng thời, thúc đẩy các cơ hội cho người lao động dựa trên lợi thế kinh tế địa phương nhằm phát triển kỹ năng học tập một lần là đủ, sang học tập suốt đời, nâng cao năng lực cho người lao động, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

          Theo quyết định được ban hành, Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10 được tổ chức thống nhất trong toàn quốc nhằm hưởng ứng Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới hằng năm; đồng thời kêu gọi cộng đồng trong nước hưởng ứng và ủng hộ phát triển kỹ năng lao động bằng các hành động cụ thể để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

          Kính thưa các vị đại biểu

          Trường Cao đẳng Bắc Kạn hiện nay là ngôi trường đào tạo nghề duy nhất của tỉnh Bắc Kạn. Trường được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH cấp phép 26 ngành/nghề đào tạo, gồm 07 mã ngành/nghề trình độ cao đẳng, 11 mã ngành/nghề trình độ trung cấp, 08 nghề trình độ sơ cấp; Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp 01 mã nghề cao đẳng sư phạm Mầm non. Trường tập trung đào tạo các lĩnh vực ngành nghề như: Công nghệ hàn; Kỹ thuật Cơ khí; Kỹ thuật Điện; Công nghệ ô tô; nhóm ngành Nông nghiệp; Du lịch, Khách sạn, Nhà hàng; Kế toán; Công nghệ thông tin; Giáo dục Mầm non. Trường hiện có 05 ngành/nghề trọng điểm cấp Quốc gia, đó là: Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ ô tô; Điện công nghiệp; Thú y; Trồng trọt và bảo vệ thực vật.

          Bên cạnh đó, Công tác liên kết – hợp tác luôn được Trường quan tâm đầu tư, nâng cao hiệu quả. Nhà trường đã ký cam kết hợp tác đào tạo, giới thiệu ba bên với hơn 30 doanh nghiệp. Ví dụ, Khoa Cơ điện đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH Thiên Sơn, Công ty Towada (Nhật Bản), Công ty Lilama 96.1, Công ty Kết cấu thép Sóc Sơn, … bảo đảm toàn bộ các học viên của Khoa được thực tập và có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Các hoạt động liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục của khu vực phía Bắc cùng các chuyến đi tham quan học tập trong và ngoài nước đã cung cấp cho Trường nhiều bài học, kinh nghiệm quý giá trong quản lý, đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình.. v.v.

          Những hoạt động trên cho thấy, bằng các hành động cụ thể, tập thể Nhà trường đã luôn cố gắng, nỗ lực để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, chú trọng phát triển kỹ năng cho người lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

          Nhân Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10 năm nay, tôi kêu gọi toàn thể học sinh, sinh viên, người lao động trong tỉnh không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, liên tục sáng tạo để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả lao động trong công việc. Tôi cũng đề nghị các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cùng các địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan, tích cực vận động con em, người lao động chưa qua đào tạo nghề sớm có định hướng nghề nghiệp, tham gia đăng ký học nghề. Các đơn vị quản lý nhà nước, cơ quan chức năng, doanh nghiệp, Hợp tác xã… ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên, người lao động. Tôi cũng mong rằng cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tham gia tích cực vào sự nghiệp hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ  năng nghề cho người lao động để vững bước tiến vào tương lai.

          Tôi có một niềm tin chắc chắn rằng người lao động Việt Nam nói chung và người lao động, học sinh, sinh viên Bắc Kạn luôn phát huy phẩm chất và năng lực của mình để vươn lên trong học tập, lao động và sản xuất, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh Bắc Kạn bền vững, thịnh vượng trong giai đoạn tới.

          Trân trọng gửi tới toàn thể người lao động, học sinh sinh viên và các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc tốt đẹp nhất.

          Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *