Năm 2022, Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động truyền thông hướng nghiệp. Qua đó không chỉ quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh của nhà trường, mà còn thu hút được sự quan tâm của đông đảo người học, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn, từng bước thay đổi tư duy, nhận thức về dạy và học nghề trong bối cảnh hiện nay.
Trong năm, từ nguồn kinh phí chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt, nhà trường đã triển khai các hoạt động truyền thông, hướng nghiệp bao gồm: Sản xuất các chương trình, phóng sự truyền hình; xây dựng chuyên mục tuyên truyền “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” trên sóng Đài PTTH Bắc Kạn và Báo Bắc Kạn; Tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 04/10; xây dựng các khẩu hiệu truyền thông tuyên truyền về công tác đào tạo, tuyển sinh của Trường Cao đẳng Bắc Kạn tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh, trong khuôn viên trường; tổ chức các hoạt động tọa đàm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm học tập cho HSSV; tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp…
Trước tiên có thể nói, các hoạt động truyền thông được tổ chức tại trường, đối tượng tham gia là HSSV đang học tập, đã tạo ra một luồng khí mới có sức hấp dẫn, tạo môi trường học tập năng động hơn. Chương trình tọa đàm “Tiếng nói sinh viên” được tổ chức theo chuyên ngành là dịp để HSSV được nói lên tâm tư nguyện vọng, những thắc mắc về quá trình học tập, cơ hội việc làm. Các hoạt động hưởng ứng ngày Kỹ năng lao động việt Nam là dịp để cán bộ, nhà giáo và HSSV nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong việc truyền bá kiến thức, tay nghề, thông qua cuộc gặp gỡ các cựu HSSV tại ngày hội Khoa. Là dịp để toàn thể HSSV đang học tập tại trường hiểu được giá trị của kỹ năng tay nghề trong bối cảnh hiện nay. Là cơ hội quảng bá với Doanh nghiệp, thị trường lao động về chất lượng đào tạo của nhà trường…
Em Đặng Thị Hà, sinh viên lớp Cao đẳng Mầm non K20 cho biết: Trong năm 2022, em được tham gia tất cả các hoạt động mà nhà trường tổ chức. Mỗi hoạt động đều được tổ chức sôi động, có sức cuốn hút. HSSV chúng em là trung tâm của các hoạt động. Qua đó, chúng em cảm thấy yêu thích môi trường mình đang học tập, hiểu hơn về tầm quan trọng, tính thiết thực của việc học nghề trong bối cảnh hiện nay.
Để tạo sức lan tỏa, các hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức cũng được nhà trường đẩy mạnh. Các mô hình đào tạo nghề của các Khoa, các ngành nghề đào tạo trọng điểm, ngành nghề dịch vụ theo xu thế; đời sống HSSV… được phản ánh hết sức khách quan, chân thực, sinh động dưới ngòi bút, hình ảnh của các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn tỉnh. Những hoạt động của nhà trường thường xuyên được cập nhật trên Trang thông tin điện tử, trên các nền tảng xã hội như zalo, facebook; youtube… Những băng zôn, khẩu hiệu có nội dung về đào tạo nghề được chia sẻ rộng khắp.
Bên cạnh đó, việc đưa HSSV đi tham quan, trải nghiệm thực tế là một trong những hoạt động hết sức thiết thực, được đông đảo người học hưởng ứng và tham gia. Nhà trường đã tổ chức cho gần 500 HSSV đến các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh ở lĩnh vực phù hợp với ngành nghề các em đang theo học. Tại đây, các em có cái nhìn thực tế về chuyên ngành, những kỹ năng tay nghề cần có khi làm việc, quy mô sản xuất, yêu cầu của thị trường. Đồng thời có định hướng việc làm rõ nét hơn sau khi kết thúc khóa học.
Em Triệu Mùi Sâu, lớp CNTY K19-01 cho biết: Sau khi tham quan, trải nghiệm tại hợp tác xã Phúc Ba (Quảng Khê – Ba Bể), em thấy mình có nhiều hướng để tìm kiếm, tạo việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường như: trở thành thú y viên cơ sở; kỹ thuật viên trong các công ty, hợp tác xã, trang trại chăn nuôi; hoặc cũng có thể kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi…
Việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, hướng nghiệp thời gian qua đóng góp tích cực trong việc hoàn thành các chỉ tiêu mà nhà trường đặt ra về công tác tuyển sinh, phân luồng định hướng người ngọc. Có tác động lớn đến các đối tượng gia đình, người sử dụng lao động. Những kết quả đạt được là tiền đề, tạo sức bật mới để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trở thành trung tâm đào tạo và khoa học lớn của tỉnh Bắc Kạn, trong khu vực miền núi phía Bắc.
Thu Hường