Nhờ chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thị trường lao động quý I/2022 trên cả nước có nhiều tín hiệu khởi sắc. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cả nước nói chung và Bắc Kạn nói riêng đang thiếu hụt nguồn nhân lực đáp ứng các tiêu chí của nhà tuyển dụng về trình độ, kỹ năng, tay nghề…
Để giải quyết tình trạng trên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu tổng quát là phát triển giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Mục tiêu đến năm 2025 tỉnh sẽ nâng cao chất lượng đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50% trở lên.
Trường Cao đẳng Bắc Kạn là cơ sở giáo dục nghề nghiệp duy nhất của tỉnh triển khai đào tạo đa ngành, nghề theo 3 cấp trình độ là cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Trường có các phòng học, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành, thực tập, nghiên cứu cơ bản đáp ứng quy mô đào tạo từ 1.800 – 2.500 học sinh, sinh viên. Hiện nhà trường đã ký kết hợp tác với trên 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong hợp tác đào tạo, tuyển dụng nguồn lao động.
Nhà trường thường xuyên theo dõi, nắm bắt nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp để định hướng đào tạo, đảm bảo học viên ra trường có thể làm tốt công việc ngay. Đào tạo nhiều ngành nghề theo nhu cầu xã hội, bao gồm các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp như công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ ô tô, điện, hàn, kỹ thuật xây dựng cùng các ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp như thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật…
Hiện nay, xu thế thị trường lao động tại Nhật Bản giảm dần số lao động phổ thông, vì vậy, người lao động muốn làm việc lâu dài cần phải qua đào tạo. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động tiềm năng đó Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã phối hợp với Công ty TNHH Phát triển nhân lực Việt Anh tổ chức khai giảng lớp đào tạo tiếng Nhật Bản dành cho sinh viên cao đẳng tham gia chương trình kỹ sư làm việc tại Nhật Bản khóa 1. Chương trình xuất khẩu kỹ sư sang làm việc tại Nhật Bản gồm các nghề: Cơ khí, điện, kỹ thuật chăn nuôi thú y, trồng trọt và xây dựng với nhiều ưu đãi, chi phí thấp, được Công ty TNHH Phát triển nhân lực Việt Anh hỗ trợ vốn vay, làm việc thu nhập cao và lâu dài tại Nhật Bản. Học sinh, sinh viên sang làm việc tại Nhật Bản theo chương trình này phải có trình độ nghề và tiếng Nhật Bản đáp ứng yêu cầu thông qua thi tuyển, phỏng vấn trực tiếp.
Em Đặng Quý Phúc- Sinh viên lớp CĐ-ĐCN/K4 Khoa Cơ điện, Trường Cao đẳng Bắc Kạn chia sẻ: Sau khi em tốt nghiệp ra trường, có nhiều công ty tuyển dụng với mức lương trên 8 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi được các thầy, cô giáo tư vấn, em được biết đến chương trình đi lao động tại Nhật Bản với mức lương cao gấp 4 – 5 lần so với ở Việt Nam. Sau thời gian suy nghĩ và nhận được sự động viên của gia đình, bạn bè nên em quyết định đi làm việc tại thị trường Nhật Bản với mong muốn phần nào giúp đỡ gia đình và tích lũy cho bản thân để lập nghiệp.
Mới đây, Trường Cao đẳng Bắc Kạn tổ chức tổng kết khoá đào tạo hệ cao đẳng liên thông nghề Khoa học cây trồng, Công nghệ ô tô và trung cấp nghề Chăn nuôi – Thú y. Nhà trường đã tích cực hợp tác với các doanh nghiệp, phối hợp đào tạo các mô đun chuyên ngành gắn với thực hành, thực tập sản xuất tại doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng tay nghề, chú trọng phát triển kỹ năng mềm cho HSSV. Ngoài các phương pháp kiểm tra, đánh giá (viết, trắc nghiệm), nhà trường coi trọng việc đổi mới kiểm tra, đánh giá hoạt động dạy và học thông qua thực tiễn gắn với thực hành, thực tập sản xuất tại doanh nghiệp và đánh giá kết quả học tập theo hình thức báo cáo thực tập và giao đề tài khóa luận tốt nghiệp đảm bảo đúng quy định. Học sinh, sinh viên của trường sau khi được đào tạo đa số đã có việc làm ổn định tại địa phương, các công ty, doanh nghiệp và xuất khẩu lao động.
Có thể nói thị trường lao động trong và ngoài nước hiện nay rất rộng mở, tuy nhiên lao động muốn có việc làm ổn định, thu nhập cao bắt buộc phải được đào tạo, có trình độ. Lao động giản đơn sẽ ngày càng yếu thế, vì vậy công tác đào tạo nghề muốn phát huy hiệu quả phải gắn với nhu cầu xã hội. Học viên sau học nghề có việc làm góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững./.
Nguồn: Báo Bắc Kạn (Phương Thảo)