Phòng Đào tạoTin tức

Đẩy mạnh thực hành, thực tế tại Doanh nghiệp, Hợp tác xã

Đã đăng trên

Thực hiện việc liên kết đào tạo để giúp học sinh, sinh viên có môi trường thực hành đa dạng, thời gian qua, Trường Cao đẳng Bắc Kạn đã đẩy mạnh liên kết với các Doanh nghiệp, HTX trong và ngoài tỉnh, đưa HSSV đến trải nghiệm thực tế. Qua đó giúp HSSV có môi trường để vận dụng lý thuyết vào thực tiễn.

Tổ chức cho học sinh khoa Cơ điện đi tham quan thực tế tại Nhà máy thủy điện Tuyên Quang

Trong giáo dục nghề nghiệp, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác đào tạo đơn thuần mà trong cả vấn đề thực tập, thực hành nhằm giúp học sinh, sinh viên vững tay nghề sau khi đi làm việc. Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường ngày càng phát triển nên việc đào tạo cũng như yêu cầu về kỹ năng của học sinh, sinh viên cũng có những thay đổi. Vì vậy, bám sát nhu cầu của các doanh nghiệp, HTX để đào tạo đảm bảo chất lượng là giải pháp quan trọng được Trường Cao đẳng Bắc Kạn quan tâm và thực hiện trong những năm học qua.

Trong năm 2022, nhà trường đã tổ chức 8 đợt thực tập; 10 cuộc đi tham quan hướng nghiệp, thực hành thực tế chuyên môn cho HSSV các lớp, các chuyên ngành. Sau chuyến tham quan, trải nghiệm tại Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, em Hoàng Việt Cường, lớp Điện Công nghiệp K18 chia sẻ: Lần đầu tiên được đi tham quan theo chương trình học, em rất vui và háo hức. Đến đây, em thấy mình như được mở mang tầm mắt, mọi thứ đều rất mới mẻ với em. Công trình Nhà máy thủy điện hùng vĩ, đồ sộ được con người chỉ huy hoạt động. Sau khi nghe về vị trí việc làm của nhà máy, em đã hình dung được công việc của mình, và mơ ước của em sẽ được trở thành một trong những công nhân của nhà máy thủy điện Tuyên Quang.

Khoa Nông lâm tổ chức cho học sinh đi tham quan tại Trung tâm nghiên cứ dê, thỏ Sơn Tây Hà Nội

Đối với Khoa Nông lâm, việc kết nối với các doanh nghiệp để đưa học sinh đi thực hành, tìm hiểu tại các doanh nghiệp, Hợp tác xã trong và ngoài tỉnh đã giúp học sinh có cơ hội tiếp xúc với thực tế, rèn rũa tay nghề, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị, doanh nghiệp được lựa chọn đưa HSSV đến tham quan cũng phải bám sát nội dung học.

Thầy giáo Lê Văn Nhã- Trưởng khoa Nông lâm, Giảng viên chuyên ngành Chăn nuôi Thú y cho biết: Trong khối ngành trồng trọt, bảo vệ thực vật, chúng tôi đã kết nối được với các Hợp tác xã ở Mỹ Phương, Quảng Khê (huyện Ba Bể), Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Tân Sơn (huyện Chợ Mới). Với ngành chăn nuôi thú y chúng tôi đã kết nối được với Doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ví dụ như Tập đoàn Hòa Phát (tại Bắc Giang), chúng tôi vẫn đưa học sinh về các trang trại lớn ở Bắc Giang. Trung tâm nghiên cứu dê, thỏ Sơn Tây, Trung tâm nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì, Trung tâm tinh đông viên Moncada (Hà Nội) và tại Công ty CP SX&TM Thành Công WINVET (Thái Nguyên)…

Em Luân Thị Chiến, lớp chăn nuôi thú y K18 cho biết: Khi được học các Modul khác nhau, nhà trường luôn tạo điều kiện cho chúng em thực hành tại các trang trại trong và ngoài tỉnh, ngoài tỉnh thì có được đi trang trại Bá Vân, Thái Nguyên. Khi được trải nghiệm tại các Doanh nghiệp, Hợp tác xã như vậy em thấy mình có nhiều năng lượng để mình học tập và để áp dụng kiến thức đấy vào thực tế khi ra trường.

Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục bám sát, kết nối các Doanh nghiệp, Hợp tác xã trong và ngoài tỉnh để đưa HSSV đi thực hành, thực tế. Từ đó có những dự đoán về số lượng lao động cụ thể, tạo thuận lợi cho nhà trường trong công tác đào tạo, có kế hoạch hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp ra trường, đảm bảo vấn đề việc làm sau đào tạo.

Thu Hường

TIN LIÊN QUAN

Đào tạo ngành Chăn nuôi thú y theo hướng bền vững

09 học viên là quân nhân xuất ngũ học nghề sửa chữa điện lạnh

Nâng cao chất lượng đào tạo lái xe

Duy trì hoạt động thể dục buổi sáng cho HSSV ở nội trú Ký túc xá

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *